MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bán vé số dạo lao đao khi xổ số kiến thiết tạm dừng. Ảnh Trần Lưu - Thành Nhân

Đối tượng lao động tự do nào được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng?

ANH THƯ LDO | 11/04/2020 10:44
Dự kiến lao động tự do tập trung vào những công việc cơ bản như người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái xe môtô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô... được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ.

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, có khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm được thụ hưởng gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1.4.2020.

Về cách thức triển khai, Bộ LĐTBXH xây dựng chính sách hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ thực hiện hỗ trợ 3 tháng, thực hiện chi trả 1 lần, cơ bản trong tháng 4 và đầu tháng 5.

Đối với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ tối đa trong 3 tháng, tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó.

Với việc cho doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.

Trường hợp nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, Bộ LĐTBXH nhận định đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch COVID-19, cần quan tâm và cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy.

Bộ trưởng cho biết: “Kinh nghiệm của Hà Nội, TPHCM và một số địa phương đã triển khai cho thấy, người lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ chủ yếu ở chính quyền cơ sở, phường xã nơi sinh sống song cũng có thể ở nơi lao động tạm trú khi có xác nhận chưa nhận được sự hỗ trợ từ quê quán".

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau khi báo cáo được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp từ Trung ương tới địa phương sẽ lập Ban giám sát do người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng ban với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, mời đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội và thành viên một số ngành tại địa phương.

Trên cơ sơ đó, Bộ sẽ phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định một số nhóm và đối tượng cụ thể, tập trung vào những công việc cơ bản như người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái xe môtô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô; người bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý); người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Đây là những đối tượng kinh doanh tự do được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương xem xét, quyết định và sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn