MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do thiếu kinh phí nên nhiều viên chức Nhà nước và người lao động đang làm việc ở Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng chưa được trả lương. Ảnh: Phan Tuấn

Đơn vị sự nghiệp Nhà nước ở Đắk Nông nợ lương viên chức và người lao động

PHAN TUẤN LDO | 11/03/2024 06:39

Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng là đơn vị sự nghiệp Nhà nước trực thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông. Từ năm 2022 đến nay, do chưa được cơ quan chức năng cấp đủ kinh phí nên đơn vị này chưa thể làm các thủ tục thanh toán tiền lương và chế độ đầy đủ cho viên chức, người lao động trong đơn vị.

Từ nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội...

Theo Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu Biên chế và số lượng người làm việc là 25 người. Trong đó, 10 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 15 người hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị.

Hiện nay, cơ chế tài chính chưa rõ ràng, chưa có sự thống nhất từ các sở, ban, ngành về việc xác định nguồn thu tiền sử dụng dịch vụ hạ tầng trong khu công nghiệp là nguồn thu nộp ngân sách Nhà nước hay nguồn thu của đơn vị.

Trong các năm 2022, 2023, 2024, công ty chưa được cấp đủ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho viên chức, người lao động đang làm việc tại đơn vị.

Trong các năm 2022 và 2023, bộ máy của công ty chưa được cấp đủ nguồn kinh phí chi trả tiền lương và các nguồn chi khác theo quy định. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12.2023, số viên chức làm việc tại công ty chưa được trả lương.

Hiện tại, do công ty chưa được nhập dự toán nên tổ bảo vệ cho khu công nghiệp chưa được cấp lương tháng 1 và tháng 2. Ngoài ra, công ty cũng đang nợ các khoản trích theo lương như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... từ tháng 9 đến tháng 12.2023 là hơn 60 triệu đồng.

Do nợ bảo hiểm xã hội 4 tháng của năm 2023 nên năm 2024, công ty không được cơ quan bảo hiểm gia hạn cấp bảo hiểm xã hội. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của viên chức và người lao động khi có bệnh tật, rủi ro... xảy ra.

"Với việc chưa được chi trả lương dẫn đến tư tưởng cán bộ, công nhân viên công ty có phần bị dao động, không yên tâm làm việc và cống hiến. Vấn đề này cũng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần và tâm lý của viên chức người lao động trong đơn vị" - lãnh đạo Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng thừa nhận.

Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng hiện đã bị đơn vị cấp nước cắt nước máy. Ảnh: Phan Tuấn

... Đến việc bị cắt điện, nước, internet

Cũng theo Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng, không chỉ có việc nợ lương viên chức và người lao động mà hoạt động hàng ngày của đơn vị cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Về các khoản chi khác, theo dự toán năm 2023, công ty được giao nguồn kinh phí chi phí khác cho 5 biên chế được giao với số tiền là 90 triệu đồng. Trong khi đó, người làm việc thực tế tại đơn vị là 25 viên chức và người lao động.

Từ tháng 1.2023 đến tháng 5.2023, công ty đã sử dụng hết số tiền được cấp để chi các hoạt động như: tiền điện, nước, công văn, điện thoại, internet, công tác phí...

Do đó, từ tháng 6.2023 đến tháng 12.2023, công ty đang nợ tiền các đơn vị cung cấp dịch vụ cho hoạt động của đơn vị. Vì không có nguồn để chi trả, nên Điện lực huyện Cư Jút, đơn vị viễn thông và cấp nước đã nhiều lần ra thông báo cắt điện, nước, điện thoại, internet...

Để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, công ty đã cam kết chi trả các khoản dịch vụ này đầy đủ và đề nghị các đơn vị nêu trên tạo điều kiện giúp đỡ cho sử dụng dịch vụ trở lại. Tuy nhiên, bước qua năm 2024, công ty vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí hoạt động.

Vì lý do không có nguồn kinh phí để chi trả tiền nước sạch tại khu nhà làm việc của công ty (nợ 4 tháng tiền nước sạch) nên đơn vị cung cấp nước sạch đã ngừng cung cấp nước và thu hồi đồng hồ. Hiện công ty phải dùng nhờ nước sạch của doanh nghiệp bên cạnh.

"Nếu trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền không cấp đủ kinh phí cho số lượng người được giao thì công ty sẽ đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động. Nhất là việc bị ngừng cấp điện, không có điện để thắp sáng, xử lý nước thải, bảo vệ máy móc, thiết bị, tài sản... mà ngân sách Nhà nước đã đầu tư vào Khu công nghiệp Tâm Thắng" - thông tin từ Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng khẳng định.

Trước đó, Báo Lao Động phản ánh bài viết "Nhiều hệ lụy từ việc cấp thiếu kinh phí xử lý nước thải ở Đắk Nông". Trong đó, do cấp thiếu kinh phí khoảng 190 triệu đồng so với đề xuất nên Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng không có tiền để mua hóa chất và trả tiền điện xử lý nước thải.

Hệ lụy của việc này không chỉ làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng mà đơn vị này còn có thể đối diện với mức xử phạt hành chính gấp nhiều lần với phần kinh phí bố trí thiếu hụt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn