MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu 15 năm đã có thể được hưởng lương hưu

Nhóm phóng viên LDO | 29/06/2024 09:47

Từ 1.7.2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc các trường hợp theo quy định.

Sáng 29.6, với 93,42% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Một trong những điểm mới của luật là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm (so với 20 năm như hiện nay).

Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được thông qua quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu như sau:

1. Đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m, n Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Luật này, khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021;

c) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là 15 năm, giảm so với 20 năm như quy định hiện hành.

Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 141 điều, (tăng 1 chương và 5 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình; tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành) cùng 9 nhóm điểm mới.

Một trong 9 điểm mới đó là mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội như giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn