MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm, lương hưu vẫn không đủ sống

Mạnh Cường LDO | 28/05/2023 10:41

Mức lương hưu tăng nhỏ giọt cộng thêm bệnh tật, cỗ bàn,... nên dù có đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm, nhiều lao động vẫn không đủ sống.

Mới đây, thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói từng gặp nhiều người đi làm 30 năm, đóng đủ bảo hiểm nhưng lương hưu chỉ 2,5 - 3 triệu đồng mỗi tháng, phải đi làm thêm mới đủ sống. Thực tế, tình trạng này không hề hiếm gặp.

Ở tuổi 85, ông Nguyễn Phi Khanh (Nam Định) phải chắt chiu từng đồng điều trị bệnh, ăn uống kham khổ nên cơ thể khá gầy gò. Sau 25 năm làm giáo viên, ông về hưu với số lương ít ỏi, đến nay cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy.

Ông Khanh phải chi tiêu kham khổ với những đồng lương hưu ít ỏi. Ảnh: Mạnh Cường.

Năm 1959, ông Khanh bắt đầu vào ngành giáo dục công tác đến năm 1984 về hưu. Khi đó, lương hưu tháng đầu tiên ông Khanh nhận được là 21 đồng. Sau gần 40 năm, lương hưu tăng nhỏ giọt, đến bây giờ mới được 3.858.000 đồng/tháng.

Theo ông Khanh, số tiền lương hưu trên nếu chỉ để sinh hoạt cho một mình thì đủ, còn với hai người thì luôn thiếu thốn. Hiện tại, vợ ông - bà Vũ Thị Thiện không có lương hưu hay trợ cấp nên đồng lương ít ỏi của ông Khanh càng không đủ để chi trả.

Tuổi già, hai vợ chồng ông Khanh phải đối mặt với vô số nỗi lo, trong đó bệnh tật khiến ông luôn khổ tâm và trở nên gầy gò.

"Tháng nào, tôi cũng phải bắt xe lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám, lấy thuốc điều trị tim mạch. Bên cạnh đó, từ năm ngoái đến nay, cơ thể xuất hiện cơn ngứa khó chịu mãi không dứt nên cũng phải thường xuyên đi tiêm. Hai khoản này đã tiêu tốn của tôi ít nhất 1,5 triệu đồng/tháng" - ông Khanh nói.

Bà Vũ Thị Thiện cũng bị căn bệnh đau nhức xương khớp và thị lực kém giày vò nên hàng tháng phải chi thêm từ 200.000 đến 300.000 đồng mua thuốc hỗ trợ. Cộng thêm chi phí sinh hoạt 1.500.000 đồng/tháng, tiền cỗ bàn 500.000 đồng/tháng nên lương hưu lúc nào cũng về số 0, thậm chí là âm.

Để cải thiện thu nhập, bà Khanh phải trồng thêm rau mang ra chợ bán; đồng thời hỗ trợ con cái bán thêm cá vào mỗi sáng sớm.

Dù hiện tại, lương hưu đã khá khẩm hơn nhưng nhớ lại khoảng thời gian 10 năm trước, bà Nguyễn Thị The (74 tuổi, Nam Định) không giấu nổi sự buồn bã về những năm làm kế toán, đóng bảo hiểm xã hội của bản thân.

Bà The buồn bã tâm sự về khoảng thời gian 10 năm trước, lương hưu không đủ sống. Ảnh: Mạnh Cường.

Bà The về hưu năm 1993, mức lương hưu nhận được lúc đó là hơn 1 triệu đồng/tháng, tạm đủ chi tiêu cho bản thân. Đến năm 2013, bà nhận hơn 2 triệu/tháng nhưng đã bắt đầu gặp khó khăn, hiện tại chỉ tăng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Theo bà The, từ năm 2013, xã hội phát triển hơn kéo theo mọi thứ ngày càng đắt đỏ mà lương hưu lại tăng không đáng kể. Hơn 1 năm trời, bà vừa chống chọi với bệnh tật, gánh nặng tiền cỗ bàn, lễ lạt và ăn uống bằng tiền lương hưu, thường xuyên phải vay mượn thêm em trai.

Ở thời điểm hiện tại, mức lương cơ bản mới tạm đủ sống chứ không có dư nhiều. Mỗi tháng, bà The tính toán cẩn thận từng đồng, dành ra 2 triệu đồng chi tiêu sinh hoạt cá nhân, hơn 500.000 đồng điều trị bệnh ung thư cổ tử cung và từ 600.000 đến 1 triệu đồng tiền cỗ bàn, lễ lạt. 

Số tiền còn lại, bà The để dành thi thoảng mua bộ quần áo mới, đến thăm người thân ở xa, đồng thời phòng cho lúc bất trắc bởi bà không có chồng, con, hiện đang sống cùng người em trai cũng đã lớn tuổi.

Nói về mong muốn được tăng lương hưu, ông Khanh, bà The đề xuất: "Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm hơn đến người lao động đã nghỉ hưu, điều chỉnh lại mức tăng lương hưu hàng năm, sắp tới chúng tôi mong muốn được tăng lương hưu lên hơn 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, hỗ trợ thu nhập cho người phụ thuộc để giảm bớt gánh nặng tài chính tuổi già".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn