MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu di tích Nguyễn Đức Cảnh tại Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: SƠN TÙNG

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người có nhiều công lao trong việc phát triển thành phần công nhân trong Đảng

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG LDO | 02/02/2018 06:23

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932), quê thôn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh tuy ngắn ngủi, nhưng tên tuổi gắn liền sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và những năm đầu quyết liệt đấu tranh của Đảng và dân tộc chống quân thù vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản.

Kết hợp chặt chẽ lực lượng CN và nông dân

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là nhà cách mạng, chiến sĩ cộng sản nổi tiếng, thuộc lớp người đầu tiên của thời dựng Đảng. Năm 1927, đồng chí sang Quảng Châu (Trung Quốc) học lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Tháng 9.1928, Nguyễn Đức Cảnh và một số đồng chí thực hiện chủ trương vô sản hóa của Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ tại Hải Phòng. Tháng 3.1929, thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong 8 đảng viên của chi bộ đó. Tháng 4.1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người xây dựng chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Ngày 17.6.1929, tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội.

Cuối tháng 6.1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được phân công làm Bí thư lâm thời Hải Phòng. Với tư cách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách phong trào công nhân và chủ trì Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội, ngày 28.7.1929.

Cuối năm 1929, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trên cả nước và chứng kiến sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đáp ứng yêu cầu khách quan của phong trào cách mạng, với vai trò và trách nhiệm trước đất nước, giai cấp và dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sáng kiến triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một Đảng cách mạng duy nhất. Đó cũng là nhiệm vụ được Quốc tế cộng sản ủy nhiệm. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 6.1 đến ngày 7.2.1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh dự hội nghị lịch sử thành lập Đảng đã là sự ghi nhận vai trò và cống hiến, uy tín của đồng chí trong phong trào cách mạng, nhất là trong hoạt động của chi bộ cộng sản đầu tiên và Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân trên cả nước. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, vai trò của các Xứ ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy là rất quan trọng. Phong trào phát triển mạnh mẽ từ ngày 1.5.1930, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Ở Bắc Kỳ, công nhân mỏ Hòn Gai bãi công, treo cờ đỏ búa liềm trên núi Bài Thơ. Hơn 1.000 nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng (Thái Bình) biểu tình và kéo về thị xã đòi tự do, dân chủ, chống khủng bố. Ngày 14.10.1930, nông dân Tiền Hải (Thái Bình) đấu tranh...

Cuối năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương Đảng phái vào Trung Kỳ tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng với đồng chí Nguyễn Phong Sắc (Bí thư Xứ ủy) và các đồng chí trong Xứ ủy tiếp tục bám sát cả phong trào công nhân và nông dân, kết hợp chặt chẽ lực lượng công nhân, nông dân đấu tranh theo những mục tiêu của Đảng đã đề ra.

Phát triển phong trào cách mạng của công nhân, nông dân cả nước

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khi vào Trung Kỳ đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy thúc đẩy phong trào phát triển theo sự chỉ đạo chung của Trung ương. Cuối năm 1930, phong trào công nhân và nông dân ở Trung Kỳ, nhất là Bắc Trung Kỳ diễn ra rất sôi nổi, mạnh mẽ. Ngày 1.8.1930, hơn 500 nông dân Can Lộc (Hà Tĩnh) biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế chống chiến tranh. Hơn 3.000 nông dân Nam Đàn (Nghệ An) biểu tình ngày 30.8.1930... Đặc biệt, ngày 12.9.1930, 8.000 nông dân Hưng Nguyên - Nghệ An biểu tình kéo về Vinh, phối hợp cùng công nhân Vinh - Bến Thủy đấu tranh...

Những ngày tháng cuối năm 1930, phong trào cách mạng của công nhân, nông dân cả nước phát triển đến đỉnh cao nhất ở Trung Kỳ với sự ra đời chính quyền Xô viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cao trào cách mạng đó là sự khảo nghiệm tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đề ra tại Hội nghị thành lập Đảng mùa xuân năm 1930. Cao trào ấy là kết quả lãnh đạo trực tiếp của các tổ chức Đảng, đặc biệt là của Xứ ủy Trung Kỳ mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia lãnh đạo và đóng góp.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động công nhân và xây dựng tổ chức Công hội từ trước khi thành lập Đảng, cùng với Xứ ủy Trung Kỳ tăng cường công tác xây dựng Công hội, phát triển thành phần công nhân trong Đảng. tăng cường công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng, chú ý công tác binh vận. Cuối tháng 4.1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt ở Vinh (Nghệ An), đưa về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) và bị địch xử chém ở Hải Phòng ngày 31.7.1932. Đó là tổn thất lớn của Đảng và phong trào cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương phân công tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ cuối năm 1930 để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, đó là thời điểm phong trào phát triển đỉnh cao, đồng thời cũng khó khăn tổn thất nặng nề. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã cùng với Bí thư Xứ ủy Nguyễn Phong Sắc và tập thể Xứ ủy bền bỉ lãnh đạo đấu tranh. Với tư cách Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tỏ rõ bản lĩnh và trách nhiệm của người cộng sản kiên cường. Đồng chí đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ do Trung ương Đảng phân công tới địa bàn khó khăn, nóng bỏng nhất cùng Đảng bộ, nhân dân Trung Kỳ tổ chức phát triển phong trào cánh mạng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, nhất là công tác vận động quần chúng công nhân, xây dựng và tổ chức Công hội. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã cùng Xứ ủy chú trọng công tác công vận cùng với phát triển nông hội góp phần quan trọng hình thành, phát triển liên minh vững chắc giữa công nhân và nông dân, vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cho các thời kỳ Đảng lãnh đạo cách mạng sau này.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có những cống hiến quan trọng trong xây dựng, phát triển các tổ chức Đảng, chú trọng cả công tác tổ chức và tư tưởng hướng theo Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Tính kỷ luật, sự gương mẫu, gắn bó với phong trào cách mạng của nhân dân, không sợ gian khổ, hy sinh và chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành nhà lãnh đạo mẫu mực của giai cấp công nhân và nông dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn