MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà ở xã hội Sao Hồng. Ảnh: Trần Tuấn

Dự án nhà ở xã hội bị ngân hàng siết nợ, công nhân như ngồi trên đống lửa

Trần Tuấn LDO | 02/03/2023 11:20

Bắc Ninh - Nhận được thông báo từ ngân hàng cho biết, tòa nhà ở xã hội nơi mình đang sinh sống sẽ bị thu hồi để xử lý khoản nợ của chủ đầu tư, công nhân N.V.T chết lặng.

Chủ đầu tư thế chấp nhà ở xã hội để vay nợ

Ngày 1.3, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị N.V.T, cư dân tòa nhà CT1, dự án nhà ở xã hội Sao Hồng (xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, chị cùng nhiều cư dân của tòa nhà vừa nhận được thông báo từ Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Từ Sơn.

Thông báo nêu rõ: 

"Hiện nay, toàn bộ các căn hộ thuộc tòa chung cư 7 tầng tại dự án Nhà ở xã hội Sao Hồng đang được thế chấp tại BIDV để đảm bảo cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Sao Hồng (chủ đầu tư dự án - PV) vay vốn tại Ngân hàng chúng tôi.

Tuy nhiên, hiện nay do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Sao Hồng đang vi phạm các hợp đồng tín dụng đã ký kết với BIDV Từ Sơn. Do đó, BIDV Từ Sơn sẽ phải xử lý tài sản để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp phải xử lý tài sản, BIDV Từ Sơn mong nhận được sự hợp tác của các cư dân sinh sống tại tại tòa nhà 7 tầng thuộc dự án Nhà ở xã hội Sao Hồng".

Dự án nhà ở xã hội Sao Hồng gồm 2 tòa nhà 7 tầng (đã bàn giao) và 11 tầng  (đang xây dựng). Ảnh: Trần Tuấn

Dự án nhà ở xã hội Sao Hồng bao gồm 2 khối nhà 7 tầng (CT1) và 11 tầng (CT2). Trong khi CT1 đã bàn giao nhưng bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng để vay vốn thì tòa CT2 lỡ hẹn bàn giao cho cư dân đã 2 năm qua.

Chị T. cho biết, chị và chồng đang làm việc ở KCN Quế Võ, đã mua nhà và chuyển về tòa CT1 từ năm ngoái. Khi nhận được thông báo từ ngân hàng, chị T. và chồng rất buồn và lo lắng.

"Nếu nhà bị thu hồi, chúng tôi không biết sẽ phải sống ở đâu. Hằng tháng vẫn phải trả tiền lãi mua nhà nếu phải chuyển ra ngoài thuê trọ nữa thì kinh tế sẽ càng thêm khó khăn", chị T. nói.

Quyền lợi của người dân được đảm bảo thế nào?

Cũng như chị T., nhiều cư dân sống ở CT1 dự án nhà ở xã hội Sao Hồng đang hoang mang không biết quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo thế nào trong trường hợp này.

Họ cho biết đang sắp xếp một buổi làm việc giữa cư dân và chủ đầu tư để làm rõ vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, khoản vay có thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai của doanh nghiệp cho ngân hàng sẽ được pháp luật ưu tiên bảo vệ vì đây là khoản vay có đăng ký giao dịch bảo đảm.

 Chủ đầu tư nhà ở xã hội Sao Hồng làm việc với người dân thông tin về các vướng mắc tại dự án. Ảnh: Trần Tuấn

"Việc ngân hàng siết nhà của người dân đang ở là hoàn toàn có thể xảy ra về mặt pháp lý bởi đây là tài sản bảo đảm khoản vay của ngân hàng.

Trường hợp cư dân bị mất nhà thì có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thanh toán các cái giá trị về mặt tài sản. Nếu chủ đầu tư không đồng ý thì cư dân có thể kiện chủ đầu tư ra tòa để đòi quyền lợi", Luật sư Lực nói thêm.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, dù đã qua thẩm định năng lực, nhưng trong quá trình triển khai, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Sao Hồng gặp khó khăn về nguồn vốn do nhiều yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh, thay đổi người đại diện theo pháp luật, quá trình triển khai gặp trục trặc... dẫn đến nhiều vướng mắc tại dự án này khiến người mua nhà bức xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn