MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công gói thầu 4.6 khu bay tại dự án sân bay Long Thành ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Dự án sân bay Long Thành khó tuyển chuyên gia dù đưa ra mức lương khủng

HÀ ANH CHIẾN LDO | 03/01/2024 14:50

Đồng Nai - Nhà thầu quốc tế thi công gói thầu 5.10 - nhà ga hành khách sân bay Long Thành cần tuyển 31 vị trí chuyên gia làm việc tại dự án này với mức lương khủng lên đến 400 đồng/tháng, nhưng sau nhiều kỳ đăng tuyển thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, vẫn không có bất kỳ hồ sơ nào ứng tuyển.

Khan hiếm nguồn lao động chất lượng cao

Vừa qua, Công ty IC Ictas Insaat Sanayi Ve Ticaret Anonim Sirketi Thổ Nhỹ Kỳ là nhà thầu của gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đề nghị đăng thông tin tuyển dụng chuyên gia tại 31 vị trí công việc với mức lương khủng từ 75 triệu đồng/tháng - 400 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, không có bất kỳ hồ sơ ứng tuyển nào của người lao động vào các vị trí với mức lương "khủng" nêu trên.

Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mộng Thu - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai - cho hay: Từ trước đến nay, việc tuyển dụng các vị trí chuyên gia với mức thu nhập cao như vậy là rất khó; chủ yếu chỉ tuyển dụng được ở các vị trí như công nhân phổ thông, lao động bậc trung, lao động kỹ thuật bình thường…

Thi công gói thầu 5.10 nhà ga hành khách dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Hà Anh Chiến

Ngoài ra, theo tìm hiểu đối với các vị trí chuyên gia như đại diện nhà thầu, giám đốc dự án, quản lý dự án, quản lý xây dựng, kỹ sư xây dựng, chuyên viên kế hoạch, trưởng phòng hành chính, trưởng phòng nhân sự… đều là lao động chất lượng cao và rất hiếm, luôn được các doanh nghiệp săn đón. Vì khan hiếm nên hiện hầu hết nguồn lao động này đang có công việc ổn định, do đó việc không có hồ sơ ứng tuyển cho các vị trí tại dự án sân bay Long Thành là điều không khó hiểu.

Đào tạo nguồn nhân lực sân bay Long Thành cũng gặp khó

Đồng Nai có lực lượng lao động lớn với khoảng 1,2 triệu người. Tuy nhiên, thực tế, tỉ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao ở các ngành nghề mũi nhọn.

Ngoài ra, còn những hạn chế trong công tác đào tạo, liên kết đào tạo lao động kỹ thuật. Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực Đồng Nai còn thiếu rất nhiều cán bộ khoa học, nhất là những ngành mũi nhọn, thiếu cán bộ đầu ngành, thiếu các chuyên gia giỏi.

Công trường dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Hà Anh Chiến

Theo số liệu dự báo nhu cầu nhân sự và lao động phục vụ xây dựng và khai thác dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, nhu cầu nhân sự và lao động dự kiến là 13.769 người. Cụ thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý 473 người; chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất, kinh doanh 12.686 người; lao động khác 610 người.

Nhu cầu lao động tập trung vào các nghề: Khai thác thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật bay; sửa chữa bảo trì thiết bị; điều hành sân bay, quản lý xăng dầu, quản lý an ninh, thợ kỹ thuật, điện, vận tải hàng không, tài chính kế toán, công nghệ thông tin...

Tuy nhiên, tại Đồng Nai có rất ít đơn vị đào tạo nghề trong lĩnh vực hàng không; số lượng tuyển sinh, đào tạo hàng năm không nhiều nên vấn đề đào tạo nhân lực làm việc tại sân bay Long Thành rất được tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, nhân sự phục vụ cho ngành hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về đảm bảo an ninh và an toàn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Viện Khoa học - Công nghệ Hàng không Việt Nam hỗ trợ xây dựng Đề cương và dự thảo Dự án đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao phục vụ sân bay Long Thành.

“Nhân sự vào làm tại sân bay phải được đào tạo chuyên ngành, không phải trường cao đẳng, trung cấp nghề nào trên địa bàn tỉnh cũng có thể đào tạo được” - đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai nói.

Năm 2023, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không.

Hai bên sẽ phối hợp đào tạo nhân lực 4 ngành nghề, tuyển sinh trong năm học 2023-2024 gồm: Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không... Nhưng điều kiện sinh viên đạt trình độ Anh văn TOEIC 450 thì mới được học các môn chuyên ngành hàng không.

Hiện nay, ngoài Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chưa phối hợp, liên kết được với các đơn vị đủ điều kiện đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành.

Về các giải pháp trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để kết nối các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với các hãng hàng không, các đơn vị có chức năng đào tạo chuyên ngành hàng không nhằm liên kết hoặc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh phục vụ cho sân bay Long Thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn