MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CNLĐ các KCN-CX Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn nhận vé xe về quê đón Tết do CĐ hỗ trợ. Ảnh: Kiều Vũ

Dự báo thưởng Tết năm nay khó đạt được như năm ngoái

Linh Nguyên LDO | 08/12/2023 07:15

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và giảm thiểu mâu thuẫn quan hệ lao động dịp cuối năm, các cấp CĐ đã hướng dẫn CĐCS thương lượng, đàm phán mức thưởng Tết Giáp Thìn năm 2024. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức thưởng Tết năm nay sẽ khó đạt được như năm ngoái vì tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không tốt.

Dự kiến thưởng Tết 1 tháng lương

Về mức thưởng Tết Giáp Thìn năm 2024, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) - cho biết, CĐ đang đàm phán về thưởng Tết cho CNLĐ. Tuy nhiên dự báo sẽ khó khăn hơn năm ngoái vì tình hình sản xuất kinh doanh thua lỗ. Hiện Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam có trên 5.000 CNLĐ.

Mức thưởng Tết Quý Mão năm 2023 là 1 tháng lương; dự kiến Tết Giáp Thìn năm 2024 mức thưởng cũng tương đương.

Ông Hải là đại biểu chính thức của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tại đại hội, ông đã thẳng thắn trao đổi về việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Từ thực tiễn hoạt động của CĐCS tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, ông Hải cho biết, theo quy định, vấn đề lương cơ bản, tiền lương hàng năm sẽ do CĐCS thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp.

Điều này sẽ xảy ra 2 tình huống: Một là nếu đúng vào thời điểm doanh nghiệp làm ăn tốt thì việc thương lượng, đàm phán sẽ không phải vấn đề quá khó; nếu tình hình kinh doanh không tốt thì việc thương lượng, đàm phán thực sự khó khăn cho đội ngũ cán bộ CĐCS. Sở dĩ như vậy vì cán bộ CĐCS khu vực này hầu hết là kiêm nhiệm, ăn lương của chủ doanh nghiệp.

Chọn thời điểm và cũng cần sự chia sẻ

Ngày 7.12, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Thắng - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐ Các khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội (KCN-CX) cho biết, trung tuần tháng 11, trong hướng dẫn tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 cho NLĐ, CĐ các KCN-CX Hà Nội đã chỉ đạo CĐCS tổ chức đàm phán, đối thoại, thương lượng về lương, thưởng Tết cho NLĐ.

Khi có kết quả thông báo sớm để NLĐ yên tâm làm việc. Qua đó đảm bảo quyền lợi cho NLĐ; hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp trong quan hệ lao động dịp cuối năm và đảm bảo an ninh, trật tự trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tuy nhiên thực tế, năm nay sẽ khó khăn hơn năm ngoái vì hệ lụy của đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc đơn hàng bị giảm dẫn đến ảnh hưởng việc làm, thu nhập của NLĐ cũng như kết quả kinh doanh của đơn vị.

Trước tình hình đó, bên cạnh việc đối thoại, đàm phán, thương lượng mức thưởng Tết, CĐCS cũng tuyên truyền để NLĐ hiểu và có sự chia sẻ với doanh nghiệp trong trường hợp thưởng Tết có thể thấp hơn năm ngoái một chút.

Vấn đề CĐ các KCN-CX Hà Nội lưu ý các CĐCS là lựa chọn thời điểm thuận lợi để việc đối thoại, thương lượng thưởng Tết có kết quả tốt nhất trong điều kiện hiện tại của doanh nghiệp.

Để đảm bảo NLĐ nào cũng có Tết, CĐ Các KCN-CX Hà Nội tập trung hỗ nguồn lực hỗ trợ gần 17.000 NLĐ.

Hiện trên địa bàn Thành phố có 10 KCN-CX và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động, thu hút 709 dự án đầu tư thứ phát, trong đó có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký trên 6,3 tỉ USD và 402 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 19.000 tỉ đồng; thu nhập bình quân của CNLĐ Việt Nam từ 5,5 đến trên 6 triệu đồng/người/tháng. CĐ các KCN-CX Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp 341 CĐCS với trên 150 nghìn lao động, trong đó đoàn viên trên 140 nghìn người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn