MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự báo tình trạng cắt giảm việc làm của công nhân còn kéo dài

ANH THƯ LDO | 26/11/2022 13:46

Các chuyên gia dự báo tình hình việc làm của công nhân, người lao động ở một số doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đến hết quý I.2023.

Theo báo cáo của 25 địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề giảm đơn hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày; ngoài ra có một số ít doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Có đến 485 doanh nghiệp với 631.329 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Những doanh nghiệp này chủ yếu tập trung khu vực phía Nam. Điều đáng nói, có đến 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm.

Doanh nghiệp giảm đơn hàng, công nhân bị ảnh hưởng đến công ăn, việc làm. Ảnh Phương Ngân

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội dự báo, việc cắt giảm việc làm của công nhân, lao động có thể kéo dài hết quý I.2023.

Song, vị này cho rằng cũng có nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng nhưng không phải cắt giảm lao động. Bởi, những doanh nghiệp này tính toán, cân nhắc đến chi phí lao động. Nếu sa thải họ, sau này doanh nghiệp phục hồi sẽ mất nhiều chi phí tuyển dụng.

Qua khảo sát, ông Toàn nhận thấy những doanh nghiệp ảnh hưởng lớn sẽ duy trì hình thức làm việc như thời COVID-19 là luân phiên, giảm giờ làm hoặc trả 70% lương cho công nhân.

"Do đó, dẫn đến tình trạng bị mất cân đối cục bộ về lao động ở một vài địa phương. Điều này có thể thay đổi hành vi của người lao động, tạo ra những xu hướng mới" - ông Toàn nói.

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược lấy ví dụ, trước đây, họ có thể mạo hiểm sẵn sàng di cư đến thành phố lớn, đô thị kiếm thu nhập. Nhưng sau dịch COVID-19 hoặc bối cảnh hiện nay, họ có thể thay đổi hành vi, không sẵn sàng đi xa tới thành phố lớn. Họ có thể ở lại quê nhà làm việc hoặc tìm việc ở vùng lân cận với mức thu nhập thấp hơn, nhưng an toàn hơn.

Điều này đặt ra thách thức thiếu lao động khi doanh nghiệp trở lại hoạt động. Như vậy, theo ông Toàn, về lâu dài, phải hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh, thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay, có những ngành thiếu hụt lao động, song vẫn còn nhiều ngành nghề cũng đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng. Bên cạnh những doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, vẫn có những địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ.

Chính vì vậy, đơn vị đang nắm tình hình từ 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm. Trong tuần, Cục sẽ báo cáo Bộ, Chính phủ về bức tranh chung của tình hình việc làm.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm. Ảnh: Anh Thư

Theo Cục trưởng Cục Việc làm, trước mắt, Cục chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Những doanh nghiệp cắt giảm lao động lớn, phải tập trung giải quyết khó khăn cho lao động.

"Trong quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm cho lao động mất việc" - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất đẩy mạnh đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... cũng là cách tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Đề xuất Ngân hàng Chính sách tăng nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho người lao động về quê. Cục Việc làm sẽ đề xuất giải pháp theo nhiều tầng để hỗ trợ tối đa người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn