MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân một doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: B.T

Dù thêm chi phí, chủ doanh nghiệp vẫn đồng thuận

BẢO TRUNG LDO | 02/04/2022 10:00
Đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng của Tổng LĐLĐVN tới Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhận được nhiều phản hồi tích cực của nhiều chủ sử dụng lao động ở tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh này đang có tới hơn 1,1 người trong độ tuổi lao động, nhiều nhất vùng Tây Nguyên và rất nhiều trường hợp trong số đó đang có hoàn cảnh khó khăn, mức lương không đủ trang trải cho cuộc sống...

Đồng lương ít ỏi

Chị Nguyễn Thị Lanh - giáo viên mầm non, huyện Krông Năng - tâm sự: “Hiện, đồng lương hằng tháng của tôi khá thấp, không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt ở thời điểm vật giá leo thang như hiện nay. Mỗi tháng tôi nhận được 6 triệu đồng đã phải trích một khoản đóng tiền trọ, đóng tiền học cho con và điện nước... trong khi chồng thì công việc không ổn định.  Không chỉ cá nhân tôi, rất nhiều chị em giáo viên trong trường cũng cùng chung hoàn cảnh. Có người lương chỉ hơn 4 triệu đồng vừa đủ tiền xăng xe, ăn sáng mỗi ngày...”.

Cùng chung tâm trạng, chị Trần Thị Kim Nhung cho hay, “mức lương của tôi đang ở mức 4,6 triệu đồng/tháng. Với mức này, tôi khó có thể chi trả chi phí sinh hoạt hằng tháng, đa phần tháng nào cũng âm tiền. Quãng đường từ nhà tôi đến trường cũng đã hơn 11km, tiền xăng xe cũng đã rất tốn kém, chưa kể những chi phí phát sinh khác. Vì vậy, tôi buộc phải đi bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Đặc thù với phụ nữ thường phát sinh nhiều khoản chi phí hằng tháng, rất khó nói trước...”.

Ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đắk Lắk - nhận định: “Nếu so với mức lương cơ bản với các tỉnh thành khu vực phía Nam thì các doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk đang trả khá thấp, người lao động không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động lại chưa tối ưu. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cắt giảm hoạt động nên thu nhập người lao động cũng thấp theo. Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là những lao động phổ thông, thiếu tay nghề, không có kinh nghiệm. Vì vậy, rất nhiều lao động ở tỉnh đã đi về các tỉnh, thành khu vực phía nam để làm việc, mong có một mức lương khá hơn để lo cho gia đình”.

Chủ sử dụng lao động ủng hộ tăng lương

Trước thông tin Tổng LĐLĐVN và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất các phương án tăng lương tối thiểu vùng tới Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk (Giám đốc Công ty TNHH vận tải ôtô An Phước) - cho rằng: “Tôi và nhiều doanh nghiệp khác ở tỉnh ủng hộ việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Bởi, một bộ phận rất lớn công nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống rất khó khăn. Lâu nay, đã có rất nhiều lần Chính phủ dự tính tăng lương tối thiểu vùng nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chưa triển khai được. Nếu trong thời điểm này, người lao động ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung được tăng thêm đồng lương sẽ mang rất nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh vật giá leo thang, các mặt hàng thiết yếu có nhiều biến động”.

Bà Lê Thị Tuyết Hạ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á - với quan điểm đồng thuận cho hay, doanh nghiệp ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu vùng trong thời gian tới. Đơn vị đang có khoảng 600 cán bộ, công nhân lao động và hưởng mức lương trên mức tối thiểu vùng. Tuy nhiên, khi việc nâng mức lương được thông qua, công ty sẽ phải cân đối doanh thu, tài chính để hỗ trợ thêm tiền lương cho người lao động (với điều kiện kinh doanh có lãi - PV).

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - nhận định: “Việc nâng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, giảm khó khăn cho họ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, mức lương của người lao động ở tỉnh nhìn chung vẫn đang ở mức thấp so với chi phí sinh hoạt hằng ngày. Việc tăng lương này làm tăng áp lực, quỹ lương cho nhiều doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực thì đây còn là động lực để các doanh nghiệp trên địa bàn nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao lợi nhuận. Người lao động khi nhận thêm lương cũng nỗ lực lao động, cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp. Đắk Lắk đang có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, cao nhất vùng Tây Nguyên”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn