MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đủ thứ áp lực, nữ công nhân ngại sinh nhiều con

MỸ LY LDO | 10/09/2023 12:24

Áp lực về thời gian, chi phí sinh nở, giáo dục, y tế, sinh hoạt,… là những lý do khiến ngày càng có nhiều nữ công nhân không dám sinh nhiều con. Thậm chí, có một số nữ công nhân gặp vấn đề về việc gửi con trẻ, không ai trông nom con mà phải chọn cách tạm nghỉ việc.

Sinh 2 con đã là nhiều

Con gái đầu lòng đã vào lớp 4 nhưng chị Lê Thị Chưa - công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc (TP Cần Thơ) - không có ý định sinh tiếp vì áp lực kinh tế.

Theo chị Chưa, hiện để nuôi nấng một đứa trẻ không phải dễ. Chi phí sinh nở, tã, sữa, tiêm phòng… đủ thứ khoản cần phải chi mà vật giá thì leo thang. Chưa kể từ khi con gái đi học, mỗi năm tựu trường gia đình phải tốn khá nhiều chi phí từ tiền học, sách vở, đồng phục, giày dép,…

“Dù lương không dư dả, nhưng làm cha mẹ, chúng tôi luôn cố gắng lo cho con thật đầy đủ để cháu bằng bạn bằng bè. Cho nên, nếu sinh thêm bé thứ 2 thì gia đình có thể sẽ chật vật hơn”, chị Chưa tâm sự.

Chị Chưa cũng cho biết thêm, với bé thứ nhất chị còn có thể yên tâm làm việc là nhờ có bên nội ngoại chăm sóc. Nhưng hiện tại, bà nội đã già yếu, nếu sinh thêm cháu thứ 2 sẽ không ai trông nom giúp, rồi cháu đầu cũng phải đưa đón đi học mỗi ngày. Đây là điều gây khó khăn cho chị mỗi khi nghĩ đến việc sinh thêm một bé.

Áp lực kinh tế, thời gian làm công nhân ngại sinh nhiều con. Ảnh: Mỹ Ly

Sinh 2 bé trai với chị Lê Hồng Diễm - công nhân tại KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ) - đã là nhiều vì gánh nặng chi phí trong cuộc sống.

“Để yên tâm đi làm, tôi phải gửi 2 cháu cho ông bà nộingoại thay phiên nhau trông nom. Sáng rời nhà từ sớm đến chiều về tôi mới có thời gian ở gần các con. Những hôm làm thêm việc bên ngoài về trễ thì các con đã ngủ, tôi không nỡ đánh thức các cháu”, chị Diễm kể lại.

Càng thương con chị Diễm càng phải đi làm. Nhất là bây giờ kinh tế khó khăn, cháu nhỏ năm nay cũng bắt đầu đến trường, gánh nặng học phí nhân lên gấp đôi.

Không ai để gửi con, chị Lê Thị Xế - công nhân tại KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ) - đã xin nghỉ việc gần 3 năm nay để ở nhà chăm con nhỏ. Chị chia sẻ, do nhà đơn chiếc, vợ chồng cùng đi làm, ông bà thì không đủ sức khỏe chăm cháu nên sinh con xong không bao lâu chị đã làm đơn xin nghỉ.

Nhiều chính sách hỗ trợ công nhân

Hiểu được khó khăn của công nhân lao động về vấn đề con cái, một số công ty đã có các chính sách hỗ trợ cho công nhân có con nhỏ.

Chị Xế cho biết, từ khi mang thai đến lúc sinh xong, công ty có các chính sách hỗ trợ như giảm thời gian làm, không cần tăng ca, được nghỉ thai sản,… Hiện tại, bé lớn của chị đã học cấp 2, do trường gần nhà nên không cần đưa đón. Cháu nhỏ cũng đã hơn 20 tháng, đợi cháu đủ tuổi chị sẽ tìm chỗ gửi con và xin đi làm lại. Bởi kinh tế khó khăn, chi phí sinh hoạt và nuôi 2 con không phải ít nên chị muốn có thêm đầu lương để trang trải, cho các con có cuộc sống đầy đủ hơn.

Nhận thấy khó khăn trong việc tìm kiếm nhà trẻ của công nhân, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (TP Cần Thơ) đã cho xây dựng nhà trẻ trong khuôn viên của công ty. Nhà trẻ giữ trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi; bé từ 6 - 12 tháng được miễn phí hoàn toàn, bé từ 12 tháng trở lên chỉ đóng tiền ăn.

“Đối với nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi, chúng tôi quan tâm rất chu đáo để các mẹ an tâm công tác. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch nâng độ tuổi miễn phí tại nhà trẻ này”, ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn