MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phan Thị Thục Anh (bên trái) - Giám đốc Quỹ Trợ vốn TP.Đà Nẵng - trao vốn vay cho người lao động. Ảnh: NGỌC YẾN

Đưa vốn vay đến tận tay công nhân lao động

NGỌC YẾN LDO | 24/07/2017 06:10
Sau chưa đầy một tháng ra mắt và đi vào hoạt động, chiều 21.7, Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo TP.Đà Nẵng (Quỹ trợ vốn) tổ chức phát vay cho gần 100 hồ sơ vay đợt đầu tiên với gần 2 tỉ đồng.

Đây là một kênh hỗ trợ cho NLĐ nghèo vay vốn, tự tạo việc làm, tăng thu nhập mang “thương hiệu” công đoàn, chính thức mở ra cho CNVCLĐ nghèo thành phố nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống. Gần 100 hồ sơ vay đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn, được xét duyệt thông qua và nhanh chóng giải ngân. Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ: CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp cận vốn vay dễ dàng, ưu đãi, không cần phải cầm cố, thế chấp tài sản, lãi suất bằng lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng thời điểm. Đà Nẵng còn tạo điều kiện cho đối tượng vay bằng việc đưa vốn vay đến tận đơn vị của người vay để phát vay.

Xúc động khi cầm trên tay 20 triệu đồng từ Quỹ trợ vốn vừa trao, chị Phạm Thị Xuân Hiếu (CĐCS phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho hay: “Tổng thu nhập vợ chồng em chưa đầy 8 triệu đồng/tháng, bố mẹ hai bên cũng già yếu và khó khăn nên chắt chiu lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống và góp phần phụng dưỡng ông bà. Em mong có đủ tiền sửa chữa lại căn nhà cho tươm tất một chút để che nắng mưa, yên tâm công tác”.

Có lẽ, đó cũng là tâm tư của phần lớn các anh chị được giải ngân lần này, bởi đa phần họ là cán bộ không chuyên trách ở các đơn vị xã, phường, tất cả các khoản phụ cấp, lương của nhiều anh chị chưa đến 2 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc được giải quyết vốn vay dễ dàng, không cần thế chấp tài sản cùng với cách làm đầy nhân văn đã tạo được sự gần gũi, gắn kết giữa tổ chức công đoàn và NLĐ.

Trong niềm vui đó, bà Phan Thị Thục Anh - Giám đốc Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo TP.Đà Nẵng - vẫn trăn trở: “Hiện có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó 43% lao động ngoại tỉnh chưa có nhà ở hoặc phải thuê nhà; nhiều trường hợp ở nhà tạm, nhà xuống cấp không có điều kiện tự sửa chữa, nâng cấp; nhiều CNLĐ muốn mở rộng sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập, nhưng không có vốn... bởi thu nhập chỉ đủ trang trải qua ngày. Nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện sống của CNLĐ nghèo ở khối này là có thật, tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa đồng ý việc tín chấp, xác nhận để CNLĐ tại đơn vị được tiếp cận nguồn vốn. Sắp tới, Quỹ trợ vốn sẽ tiếp tục phối hợp với CĐCS các doanh nghiệp nỗ lực tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp tín chấp cho CNLĐ ở đơn vị mình. Có như vậy, vốn vay mới đến được với CNLĐ nghèo".

Hy vọng, việc giải quyết cho hơn 1.000 CNVCLĐ nghèo vay vốn trong năm đầu tiên như dự định sẽ không là “tham vọng” khó thực hiện khi nhu cầu vay của CNLĐ nghèo còn quá lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn