MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lê Thị An - Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Giày Annora Việt Nam (Thanh Hoá). Ảnh: X.H

Đừng để công nhân trở thành robot trong chính ngôi nhà của mình

Xuân Hùng LDO | 04/10/2019 11:29
Tại buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, mới đây, chị Lê Thị An – Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH Giày Annora Việt Nam (Thanh Hoá) đã có phát biểu góp ý về quy định làm thêm giờ. Lao Động xin đăng nguyên văn lời phát biểu này.

Tại ý a, mục 3, Điều 109 Dự thảo Bộ luật Lao Động (sửa đổi), quy định về làm thêm giờ: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thuỷ sản được tổ chức làm thêm từ 200 giờ đến 400 giờ trong một năm.

Nếu việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 400 giờ/năm được áp dụng sẽ tác động rất lớn đến người lao động, đặc biệt là những công nhân trong ngành dày gia. Thực tế, Cty TNHH giày Annora Việt Nam (100% vốn của Đài Loan chuyên sản xuất giày thể thao, dép xuất khẩu) có số lượng công nhân lao động đông nhất tỉnh Thanh Hoá, với hơn 22.000 lao động.

Qua theo dõi cho thấy với mức tăng ca 30h/tháng thì bình quân thu nhập của công nhân cũng chỉ tăng thêm khoảng 900.000 đồng/tháng/người trên tổng bình quân lương hàng tháng là 6,4 triệu đồng.

Nếu chúng ta tăng số thời gian làm việc của người lao động lên 400 giờ/năm, tức là chúng ta đang đi ngược lại với xu hướng tiến bộ của loài người.

Về mặt đời sống tinh thần, người lao động hầu như không có. Nếu cứ liên miên làm việc từ 7h đến 20h mới tan ca, về đến nhà khoảng 21h đêm. Công nhân giày da đa phần là phụ nữ, vậy với thời gian làm việc như vậy có đảm bảo được vai trò thiên chức của người phụ nữ hay không?

Về mặt sức khoẻ, công nhân lao động là những người chủ yếu có đời sống khó khăn nên chi tiêu rất tiết kiệm. Mức thu nhập phục vụ cho việc tái sản xuát sức lao động còn hạn chế, ăn uống chưa đảm bảo dinh dưỡng, do vậy nếu tăng ca nhiều ngày với cường độ lao động cao như vậy sức khoẻ người lao động bị suy giảm khá nhanh.

Chủ sử dụng lao động luôn có xu hướng sử dụng công nhân tăng ca thay vì tuyển công nhân vào làm đủ 8 giờ, vì lao động trong ngành giày da theo mùa, có mùa đơn hàng nhiều, có mùa đơn hàng ít nên nếu tuyển đủ công nhân đến mùa đơn hàng ít thì người sử dụng lao động phải giải quyết lao động thất nghiệp theo chế độ thiếu việc làm để giữ chân lao động. Khi thực hiện tăng ca để giải quyết các đơn hàng thì tiền trả cho lao động tăng ca ít hơn nhiều so với việc phải tuyển thêm lao động mới.

Bên cạnh đó, tuyển thêm lao động mới ngoài việc đầu tư cho nhân sự còn phải đều tư thêm mặt bằng, nhà xưởng, máy móc.

Vì vậy, ngay cả việc tăng ca như hiện nay, lương làm thêm giờ cũng phải được tính luỹ tiến cho người lao động để tránh chủ sử dụng lao động lợi dụng việc tăng ca tràn lan khiến người lao động mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm, đồng thời cũng giúp người lao động có thêm thu nhập cho gia đình để phục vụ tốt hơn cho việc tái sản xuất sức lao động và tăng năng suất lao động.

Qua lấy ý kiến của 15.381/21.247 công nhân trong công ty, có tới 13.260 người không đồng ý với phương án tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm, chỉ có 2.088 người đồng ý, hầu hết trong số những người đồng ý đều là cán bộ làm hành chính, ít khi phải làm thêm.

Đề nghị Quốc hội xem xét đến những điều kiện thực tiễn của công nhân lao động, đặc biệt là những người lao động nữ làm trong ngành giày da, may mặc, những người đảm nhận cùng lúc hai vai trò: Vai trò của một lao động chính trong gia dình và vai trò của một người giữ lửa.

Đừng để tình trạng có những người mẹ đi làm từ lúc con đang ngủ, và về nhà cũng là lúc con đã ngủ, tình trạng này kéo dài mấy tháng trời, con sẽ không có thời gian trò chuyện với mẹ, vợ và chồng đi làm lệch giờ nhau; sẽ trở thành những cỗ robot trong chính ngôi nhà mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn