MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Đỗ Ngọc Trung, công nhân cơ khí làm việc tại Nha Trang đề xuất mức lương tối thiểu vùng nên tăng lên 20% để phù hợp với trượt giá hiện nay. Ảnh: Phương Linh

Đừng mãi để "công nhân giá rẻ"

Phương Linh - Hữu Long LDO | 31/03/2022 14:45

Khánh Hoà -  "Công nhân giá rẻ" là sự tự ví von của người lao động ở khu vực Nam Trung Bộ do lương tối thiểu vùng đang quá thấp không thể đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản của họ khi mà mọi chi phí đều tăng.

Lương tối thiểu không còn phù hợp

Chị N.T.T.L, 44 tuổi, công nhân Công ty TNHH Đồ bơi Thống Nhất, đóng tại Khu công nghiệp Suối Dầu, Khánh Hoà, đi làm hơn 7 năm nay, được nhận tiền công sau khi trừ các khoản bảo hiểm, còn gần 6 triệu đồng.

Chồng chị L. làm lao động tự do, thu nhập không ổn định và đang nuôi 2 con. Chị L. cho biết: “Mỗi tháng, tiền chợ mua thức ăn của gia đình tôi khoảng 3 triệu đồng, nhưng từ khi ra Tết đến nay tăng lên 4 triệu vì thịt cá đều tăng. Trước tôi đi chợ 2 ngày/lần nhưng nay một tuần đi lần vì để tiết giảm xăng xe, tôi cũng chọn đến tận cảng để mua được đồ giá sỉ, rẻ hơn thay vì đi chợ.

Trong khi tiền lương tối thiểu của tôi vẫn chỉ 3.430.000 đồng, nếu không chấp nhận tăng ca 2 tiếng mỗi ngày thì với tiền lương đó, trừ các khoản tôi còn được 3 triệu, như thế gia đình tôi không thể nào sống được chứ đừng nói đủ. Bình thường lương đã đi sau giá rồi, nay dịch bệnh vừa phục hồi thì mọi thứ lại tăng cao hơn nên lương tối thiểu hiện nay không còn phù hợp thực tế nữa”.

Cũng như chị L., anh N.T.Nam, công nhân Công ty may ở khu công nghiệp An Phú, ở Tuy Hoà, Phú Yên than thở: “Do dịch bệnh, tôi không trụ lại được ở Sài Gòn nên về quê. May làm gần nhà không phải chi phí phòng trọ, nhưng lương cơ bản thấp nên cả làm thêm và các khoản hỗ trợ khác được 5 triệu đồng.

Nhà 4 miệng ăn, vợ làm tự do nên không ổn định, vợ chồng tôi phải giật đầu này đầu nọ. Thậm chí có lúc bí quá, thấy mấy công ty tài chính gửi tin nhắn chào mời, tôi cũng phải vay để lo cái ăn trước mắt cho con, dù biết dính vào đó là khổ thêm”.

Anh N. bộc bạch thêm rằng anh và mọi người hay tự ví von mình là "công nhân giá rẻ" do lương trả quá rẻ. Vì công sức lao động bỏ ra không tương xứng với số tiền thu về được. "Vậy nên đôi khi, đòi hỏi sự hết sức và tận tâm của người lao động cũng rất khó", anh N nói. 

Tiền công cơ bản cần ít nhất 4,5 triệu đồng/ tháng

Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, mức lương tối thiểu đang áp dụng ở vùng II (3.920.000 đồng), vùng III ( 3.430.000 đồng) và vùng IV (3.070.000). Trong đó, chỉ có thành phố Nha Trang và Cam Ranh của Khánh Hoà là áp dụng lương tối thiểu vùng II, còn lại áp dụng mức lương vùng III, IV.

Thống kê của Công đoàn Khu công nghiệp - Khu kinh tế tỉnh Khánh Hoà thu nhập bình quân của công nhân lao động hiện nay hơn 6,7 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, lương này đã cộng các khoản hỗ trợ như chuyên cần, thưởng năng suất và đặc biệt chiếm nhiều là lương tăng ca.

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang áp dụng tại khu vực này là 3.430.000 đồng, nếu thời điểm trước dịch thì cơ bản công nhân sống được. Tuy nhiên sau 2 năm dịch bệnh không có việc làm, tích luỹ đều đã dùng hết trong khi giá cả tăng đã ít nhất 30% thì việc giữ lương tối thiểu vùng như hiện nay là đang kéo sức lao động công nhân về giá rẻ.

Anh Đỗ Ngọc Trung, trú xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Khánh Hoà, công nhân cơ khí cho biết: “Đi làm hơn 7 năm nhưng lương tôi bây giờ cao nhất cũng được 10 triệu, vợ làm thu ngân cho trung tâm thương mại nhưng dịch nên giờ lương chỉ còn hơn 3 triệu.

Với thu nhập đó nuôi 2 con lớp 3 và mẫu giáo nên cuối tháng đủ là mừng lắm. Nếu mức lương tối thiểu vùng được nâng lên 20% nữa thì công nhân như chúng tôi mới mong theo được giá cả sinh hoạt chứ không có được tích luỹ”.

Theo ông Phan Quốc Thắng- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, lương tối thiểu vùng hiện quá thấp, không thể nào đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động hiện nay.

“Mức lương tối thiểu ở Phú Yên hiện nay người lao động xác định là không đủ. Chịu không nổi họ cũng ráng thôi chứ sao mà đủ được. Nhiều người còn tiền thuê nhà. Công đoàn cũng đã cố gắng vận động trong quá trình thương lượng thoả ước lao động nâng mức lương cao hơn chút. Một phần mình hỗ trợ những trường hợp công nhân lao động khó khăn.

Thực tế hiện nay, lao động thành thị thì rất chật vật vì không có nguồn bổ trợ. Riêng khu vực Phú Yên, phần nhiều lao động nông thôn nên ngoài đi làm nhà máy, họ có làm thêm nông nghiệp nên lo được phần gạo ăn cơ bản. Ở Phú Yên, theo tôi lương tối thiểu vùng ít nhất phải 4,5 triệu đồng may ra mới đủ đáp ứng đời sống tối thiểu cho công nhân”- ông Thắng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn