MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tìm số báo danh, phòng thi trong kì thi tiếng Hàn năm 2018. Ảnh: Hải Nguyễn.

Dừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc là để chờ ký thỏa thuận mới

LƯƠNG HẠNH LDO | 22/03/2023 17:18

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại 8 địa phương căn cứ theo MOU và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.

Đầu tháng 3.2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS với tám huyện đến hết năm 2022. Đó là TP Chí Linh (Hải Dương); huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Các huyện, thị xã này có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn, từ 70 người trở lên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Việc tạm dừng không áp dụng với người dự tuyển ngành ngư nghiệp; lao động đi theo chương trình EPS về nước đúng hạn và người cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời gian Hàn Quốc miễn phạt.

Liên quan đến tình trạng cư trú bất hợp pháp/lao động bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước tại Hàn Quốc, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, những người lao động phá bỏ hợp đồng không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung của giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà còn gây hậu quả cho những người lao động khác tại địa phương.

Bên cạnh đó, người lao động cư trú bất hợp pháp nếu bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương thì sẽ không có cơ quan nào can thiệp giúp đỡ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trên thực tế, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai các hội nghị tuyên truyền vận động người lao động về nước đúng hạn; người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước để giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp.

Ngoài công tác vận động tuyên truyền, cán bộ phụ trách còn đến tận gia đình người lao động để vận động người thân tác động họ về nước khi hết hạn để có cơ hội trở lại làm việc sau khi kết thúc hợp đồng ban đầu.

Về nguyên tắc, Hàn Quốc có chính sách tiếp nhận người lao động trở lại, đặc biệt là những lao động thực hiện xong hợp đồng và về nước đúng hạn.

Những người đã được gia hạn, nếu có trình độ tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt sẽ chuyển sang visa E7 (visa dành cho lao động có tay nghề cao). Đã từng có rất nhiều trường hợp được chuyển sang visa này nếu có nhu cầu.

Theo ông Liêm, dù tồn tại trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã giảm nhiều nhưng vì đây là thực tế ảnh hưởng đến hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nên vẫn phải làm mạnh. Ông Liêm cũng cho hay dự kiến ký biên bản MOU mới vào tháng 4.2023. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn