MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quà cho ngày 8.3 của nhiều lao động nữ ở Đà Nẵng là ước mong có việc làm bình thường. Ảnh: Tường Minh

Được đi làm bình thường – Mong ước quà 8.3 của lao động nữ ở Đà Nẵng

Tường Minh LDO | 04/03/2022 08:18

Đà Nẵng - Quà cho ngày 8.3, lao động nữ ở Đà Nẵng chỉ mong ước một điều duy nhất là được đi làm bình thường để cuộc sống bớt đi khó khăn.

Mong sớm âm tính

“Chị bị dính F0 rồi” là tin nhắn trả lời của chị Liên, một người quen đang làm công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho câu hỏi “đã nhận được quà ngày 8.3 chưa chị?”.

Quà cho ngày 8.3 với nhiều lao động nữ ở Đà Nẵng là ước mong có việc làm bình thường. Ảnh: Tường Minh

Tin nhắn tiếp, chị Liên kể ngày 8.3 năm nay công ty tặng quà cho mỗi lao động nữ 200 ngàn đồng, trong đó 50 ngàn đồng là quà của Công đoàn, 150 ngàn đồng còn lại là quà của công ty.

“Quà này cũng như mọi năm trước. Không nhiều nhưng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài với khó khăn chồng chất như thế này, đó cũng là một nỗ lực rất lớn của Công đoàn và ban lãnh đạo công ty rồi”, chị nói.

Mong ước cho ngày 8.3, chị Liên bảo chẳng có mong muốn gì hơn ngoài việc mau chóng được âm tính để được đi làm bình thường như bao nhiều người khác. Có được một việc làm với thu nhập ổn định vào thời điểm này đối với chị Liên là niềm hạnh phúc rất lớn bởi “quanh chị thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng nhiều. Mà thời buổi này, điều này đồng nghĩa với việc bản thân và gia đình sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là đói”, chị Liên cảm thán nói.

Mong ước nữa, chị Liên bảo “không nhiều người biết là việc làm của người lao động như chị phụ thuộc rất nhiều vào lượng rác thải từ du lịch nên cầu cho du lịch của thành phố Đà Nẵng hoạt động trở lại bình thường như mọi năm để người lao động chúng tôi có thêm việc làm, có thêm thu nhập.

Theo ông Phạm Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng, hiện Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng có gần 1.300 lao động, trong đó có khoảng 600 lao động nữ, chia đều ở 13 đơn vị.

“Ngoài việc thiếu việc làm của một số bộ phận, mất doanh thu từ dịch vụ thu phí vệ sinh du lịch với trung bình mỗi năm khoảng 10 tỉ do du lịch thành phố tê liệt 2 năm nay, chúng tôi đang đối mặt với khó khăn là F0 của dịch COVID-19 ngày một tăng cao. Hiện trung bình mỗi đơn vị của chúng tôi có từ 5-7 người lao động bị nhiễm COVID-19 nên lực lượng lao động tạm thời cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng”, ông Thành cho biết.

Cầu được tăng thu nhập

“Em chỉ mong được tăng thu nhập, cách gì cũng được”, chị Hải– công nhân một công ty may đóng trong khu công nghiệp Hoà Khánh của thành phố Đà Nẵng trả lời câu hỏi “mong gì trong ngày 8.3?”.

Chị Hải quê ở Quảng Trị, có chồng cũng là công nhân và cả hai đang thuê nhà trọ. “Đầu năm trước khi dịch căng ở Đà Nẵng, em gởi hai đứa nhỏ ra quê nhờ ông bà ngoại và ở luôn ngoài đó đến giờ”, chị Hải kể.

Chị bảo từ ngày thành phố Đà Nẵng “bình thường mới” các hoạt động, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng công việc và thu nhập của hai vợ chồng chị vẫn ổn định. Tuy nhiên, thời gian sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, không hiểu vì sao tất cả các loại vật giá để tăng giá một cách chóng mặt nên cuộc sống của gia đình chị rất chật vật.

Chị Hà My, đồng nghiệp của chị Hải thì mong sao... Nga và Ukraina sớm chấm dứt chiến sự! “Em nghe bảo nguyên nhân giá xăng tăng liên tục trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraina”.

Chị Hà My bảo “còn nhớ đầu năm 2020, khi em từ Quảng Trị và Đà Nẵng làm công nhân, giá xăng thời điểm đó khoảng 12 ngàn đồng/ lít. Tuy nhiên đến thời điểm này sau 2 năm, giá xăng đã tăng hơn gấp đôi với gần 27 ngàn đồng/ lít. Trong khi đó lương và thu nhập của em trong hai năm vừa rồi, có khi chỉ còn một nửa, có khi chẳng còn nửa nào do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh”.  

Với chị Nhàn, nhân viên pha chế của một khách sạn lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì quà 8.3 của chị năm nay là niềm sung sướng đến gần phát điên sau một cuộc gọi của người quản lý cách đây mấy hôm, báo là chuẩn bị mấy hôm nữa đi làm trở lại vì du lịch đã đến thời điểm hoạt động bình thường trở lại, đặc biệt là việc đón khách quốc tế.

“Gần hai năm nay em thất nghiệp dài dài và đã phải kiếm sống bằng rất nhiều nghề, dù vẫn đang kiếm được tiền nhưng em vẫn thấy mình hạnh phúc nhất là khi được đứng quầy pha chế thức uống cho du khách”, chị Nhàn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn