MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân gác chắn trạm Định Công (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Tùng Giang

Đường sắt có thể phải dừng chạy tàu: Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gần 11.000 công nhân

Nhóm Phóng Viên LDO | 22/02/2020 15:19

“Chúng tôi hết sức lo lắng nếu như trong quý I/2020, TCty ĐSVN tiếp tục không được giao dự toán ngân sách và buộc phải báo cáo lên Chính phủ dừng chạy tàu vì NLĐ bỏ việc dẫn đến không đảm bảo an toàn thì không chỉ ảnh hưởng hết sức lớn đến NLĐ tại 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành đường sắt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến gần 7.000 NLĐ tại các chi nhánh đầu máy, khai thác ĐS và trên 6.000 NLĐ tại 2 Công ty CP vận tải ĐS” - ông Mai Thành Phương - Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam khẳng định với PV Lao Động.

Có khả năng dừng tàu vào tháng 3.2020

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết: “Không có tiền để duy trì hoạt động tuần đường, gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng chạy tàu đường sắt quốc gia vào tháng 3 tới”.

Gần 2 tháng nay, khoảng 11.300 cán bộ, công nhân viên của khoảng 20 đơn vị thuộc tổng công ty chỉ được tạm ứng lương “vì vướng một điều trong Luật Ngân sách”. Năm 2019, doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty với hơn 3 vạn lao động chỉ đạt 8.191,3 tỉ đồng, tuy tương đương kết quả năm 2018, nhưng chỉ bằng 97,2% kế hoạch.

Đại diện VNR cho hay, trước đây, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách hàng năm cho VNR đặt hàng với 20 công ty cổ phần để thực hiện sản phẩm công ích nhằm đảm bảo an toàn giao thông gồm tuần đường, gác chắn, đảm bảo duy tu bảo trì, đảm bảo cho tàu chạy thông suốt. Nhưng hiện VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT từ sau khi chuyển sang UBQLV. Do đó, từ ngày 1.1.2020, VNR không được giao dự toán ngân sách dẫn đến việc cho đến nay, các đơn vị trực thuộc đường sắt đang gặp khó khăn và không thể kéo dài lâu khi chưa có tiền trả lương cho công nhân lao động, sửa chữa vật tư hư hỏng... Trong khi đó, VNR vẫn phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, an toàn chạy tàu.

Theo thống kê của VNR, trung bình một tháng, 20 đơn vị đặt hàng sản phẩm công ích trên phải bỏ ra khoảng 200 tỉ đồng trong khi vốn của các doanh nghiệp này chỉ dao động 10-20 tỉ đồng lại nằm chủ yếu ở vốn tài sản. Đại diện VNR cho rằng, nếu các đơn vị này không thực hiện những việc trên sẽ buộc phải dừng tàu. Mặc dù mệnh lệnh hành chính từ tổng công ty này là sai nhưng vẫn phải chỉ đạo. Trong quý I/2020, nếu như tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng tàu vì không đảm bảo an toàn chạy tàu. Đây là việc hết sức cấp bách.

Công đoàn bảo vệ quyền lợi và động viên người lao động vượt khó

Sáng 21.2, ông Mai Thành Phương - Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn  (CĐ) Đường sắt Việt Nam - nói rằng, CĐ ngành hoàn toàn ủng hộ quan điểm trên của tổng công ty.

Với kinh phí các đơn vị thực hiện dịch vụ công ích trung bình mỗi tháng đang phải bỏ ra khoảng 200 tỉ đồng cho việc quản lý kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn chạy tàu thì từ tháng 1.2020 đến nay, các đơn vị phải tạm ứng lương cho NLĐ nhưng có đơn vị chỉ được 2 -3 triệu đồng/người/tháng. Vì là đơn vị thực hiện dịch vụ công ích nên vốn không lớn, không thể vay ngân hàng số tiền nhiều và kéo dài. 

“Chúng tôi hết sức lo lắng nếu như trong quý I/2020, TCty ĐSVN tiếp tục không được giao dự toán ngân sách và buộc phải báo cáo lên Chính phủ dừng chạy tàu vì NLĐ bỏ việc dẫn đến không đảm bảo an toàn thì không chỉ ảnh hưởng hết sức lớn đến NLĐ tại 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành đường sắt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến gần 7.000 NLĐ tại các chi nhánh đầu máy, khai thác ĐS và trên 6.000 NLĐ tại 2 Công ty CP vận tải ĐS” - ông Phương nhận định.

Được biết, nắm bắt tình hình khó khăn này, các cấp trong ngành ĐSVN đã tuyên truyền, giải thích cho NLĐ hiểu rõ về những khó khăn hiện tại và hướng giải quyết của ngành, qua đó động viên anh chị em gác chắn, tuần đường cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo an toàn, đảm bảo chạy tàu. 100% NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được các cấp CĐ thăm hỏi động viên kịp thời, nhất là dịp Tết vừa qua. 

Còn trong năm 2019, các cấp CĐ trong toàn ngành đã kịp thời thăm hỏi, động viên tới 100% NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; riêng cấp ngành trợ cấp 823 lượt NLĐ với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng. CĐ ngành đề xuất với chuyên môn và trực tiếp hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt với tổng số tiền 2,4 tỉ đồng; hỗ trợ phục vụ hoạt động văn hóa thể thao nâng cao đời sống tinh thần CNLĐ tại các khu vực khó khăn với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng. 

“Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng tôi chỉ đạo các cấp CĐ cần phải tin tưởng vào chỉ đạo của chính phủ, đồng thời sâu sát hơn nữa, kịp thời nắm bắt để chăm lo tốt hơn cho NLĐ; động viên, tuyên truyền để NLĐ chia sẻ, chung sức đồng lòng cùng toàn ngành nỗ lực vượt khó, đảm bảo an toàn chạy tàu, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế xã hội do Đảng, Nhà nước đã giao. Qua đây, CĐ Đường sắt VN cũng đề nghị, để đảm bảo việc làm, đời sống cho NLĐ, đảm bảo kinh phí mua vật tư phục vụ công tác an toàn chạy tàu, Chính phủ và các ban ngành liên quan sớm có biện pháp giải quyết” - ông Phương có ý kiến.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải - cho rằng, hiện nay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (TCTĐSVN) đang phải gánh một lúc hai “vai” là lo cả hạ tầng và vận tải. Hạ tầng đường sắt gồm hệ thống đường sắt, gác chắn... Vận tải đường sắt bao gồm dịch vụ vận tải hành khách hàng hoá. Điều này khác với ngành hàng không có Cảng hàng không và doanh nghiệp hàng không hoạt động riêng. Hay đường bộ có bến xe riêng và doanh nghiệp vận tải ôtô riêng...

TCTĐSVN là một trong 5 doanh nghiệp lớn thuộc bộ nhưng có nhiều nét đặc thù khi vừa tiến hành các hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách, hàng hóa bằng đường sắt, vừa hoạt động như một doanh nghiệp công ích được giao quản lý, khai thác sử dụng vốn, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cả nước và bảo trì hệ thống này hàng năm.

Trước đây, dưới thời Bộ GTVT quản lý, tổng công ty vẫn được Nhà nước giao dự toán hàng năm (cỡ 2.800-3.000 tỉ đồng/năm) để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt. Doanh nghiệp này lại đặt hàng 20 công ty con là các công ty cổ phần thực hiện nhiệm vụ này (cho đến hết năm 2019, theo Nghị quyết của Quốc hội).

Tuy nhiên, đầu năm 2020, Bộ GTVT không thể giao dự toán cho TCTĐSVN được nữa vì vướng điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước (Bộ chỉ giao dự toán và đặt hàng các doanh nghiệp thuộc bộ). Trong khi  đó, TCTĐSVN không phải là doanh nghiệp thuộc bộ nữa. Như vậy, dự toán chừng 2.800 tỉ đồng để duy tu hạ tầng đường sắt bị “treo” lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn