MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Đào Hoài S chuẩn bị đi chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm chút tiền nuôi gia đình. Ảnh: Bảo Hân

Gác lại bằng cấp, đi làm công nhân khu công nghiệp

Bảo Hân LDO | 04/11/2020 09:00
Mặc dù đã được cấp bằng chuyên môn đào tạo trong nhà trường, nhưng nhiều người vì cuộc sống mưu sinh buộc phải đi làm công nhân (CN).

Đi làm công nhân khi có bằng trung cấp y

Ngồi trong căn phòng trọ với bộ quần áo bảo hộ lao động, dáng người gày gò, ít ai ngờ anh Đào Hoài S - công nhân (CN) một công ty chuyên sản xuất linh kiện xe máy, ôtô tại Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long, Hà Nội - từng là nhân viên làm việc tại trạm y tế xã ở quê mình.

Anh S cho hay, sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề y, anh có khoảng hơn 1 năm làm tại trạm y tế xã. Thế nhưng, sau đó, khi có đợt thi làm công chức chính thức, vì một lý do “tế nhị”, anh không đủ lực nên đành bỏ, không thi nữa.

Lên Hà Nội, anh đi lắp điều hoà tại các chung cư mới xây. Song làm công việc này, anh thường xuyên bị nợ tiền công. “Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn bị nợ hơn 20 triệu đồng mà không biết đòi ai”- anh than thở. Cực chẳng đã, vào năm 2013, anh S quyết định đi làm CN với suy nghĩ là vì hằng tháng có đồng lương ổn định nuôi sống bản thân mình. Lúc đầu, thu nhập của anh là 2,7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập hiện tại của anh là 6,6 triệu đồng/tháng.

Trong câu chuyện tâm sự với phóng viên, khi nhắc lại chuyện xưa, anh S tỏ rõ sự tiếc nuối khi bố mẹ nuôi ăn học và bản thân đã bỏ bao công sức học hành, nhưng cuối cùng, anh vẫn phải đi làm CN, “bán sức” nuôi bản thân. Anh giải thích, anh ít có sự lựa chọn nào khác. Áp lực cơm áo gạo tiền khiến anh buộc phải đi làm CN, mặc dù anh biết, làm CN thì cuộc sống vẫn khá bấp bênh vì thu nhập dù ổn định nhưng thấp, không có tích luỹ. Anh lại phải sống nơi đất khách quê người, mua nhà là điều không thể với mức thu nhập hiện tại, do vậy sẽ phải sống cuộc sống nhà trọ rất lâu. Bây giờ, anh còn phải chạy xe ôm để kiếm thêm tiền nuôi gia đình nhỏ của mình.

Không muốn gắn bó lâu dài với nghề

Cũng giống như anh S, chị Nguyễn Thị T (KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang) cũng đã tốt nghiệp hệ cao đẳng. Chị theo học ngành Sư phạm Mầm non với mong muốn được gắn bó với lũ trẻ. Ra trường, chị đi làm theo diện hợp đồng tại một trường mầm non công tại quê mình - tỉnh Lạng Sơn. Tuy vậy, khi có đợt thi vào chính thức, chị thi trượt.

“Sau khi thi trượt, tôi nghĩ không có hy vọng mình được vào chính thức trong trường nữa nên không tiếp tục ký hợp đồng cũng như chờ đợt thi tiếp theo nữa mà quyết định đi làm CN”- chị T kể lại.

Thu nhập cũng là một lý do thúc đẩy chị T đến bước ngoặt trên. Gia đình chị có hoàn cảnh rất khó khăn, nên chị phải nghĩ cách kiếm việc có thu nhập khả dĩ để duy trì cuộc sống. Nếu làm giáo viên mầm non hợp đồng, thu nhập chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng trong khi nếu đi làm CN, mặc dù sẽ vất vả, “vắt sức” hơn, nhưng bù lại con số này có thể lên 8-9 triệu đồng/tháng, tất nhiên là phải làm thêm nhiều.

Bây giờ, đôi khi trở về phòng trọ sau những giờ làm việc mệt mỏi, chị lại lần giở điện thoại của mình để xem những bức ảnh của một thời cách đây vốn không lâu - nhưng tưởng chừng đã xa lắm: Chị với nụ cười rạng rỡ, vui vẻ bên các cháu nhỏ. Ước mơ được gắn bó với lũ trẻ của chị đã bị chôn vùi, nhường lại một thực tại khó khăn, chật vật của đời sống CN.

Có rất nhiều lý do để đến với nghề làm CN, nhưng có một điểm chung của rất nhiều người mà phóng viên có dịp phỏng vấn, tìm hiểu: Đó là, vì cuộc sống quá khó khăn, họ đành phải đi làm CN. Tuy vậy, họ chỉ làm CN một thời gian để duy trì được cuộc sống của mình cũng như ky cóp, dành dụm được một chút vốn, sau đó, họ sẽ trở về quê mưu sinh bằng nghề khác, như: Mở cửa hàng, buôn bán, hay có thể làm cửu vạn… Thu nhập thấp, mua được nhà là một điều xa vời nên họ sẽ phải gắn chặt với nhà trọ chật chội, trong khi đó, ở quê nhiều người đã có sẵn nhà hoặc đất của bố mẹ để lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn