MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty Tỷ Hùng (TPHCM) chia tay đồng nghiệp trong ngày làm việc cuối cùng. Ảnh: Chân Phúc

Gần 1.200 công nhân Công ty Tỷ Hùng mất việc từ ngày 1.12: Người về quê, người bám trụ tìm kế sinh nhai

Phương Ngân - Chân Phúc LDO | 02/12/2022 06:45
Người lựa chọn về quê sinh sống, người quyết bám trụ lại TPHCM để tìm công việc mới lo cho con cái ăn học - đó là lựa chọn của những công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, TPHCM, sau khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động.

Kể từ ngày 1.12.2022, gần 1.200 công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (Công ty Tỷ Hùng) không còn đến công ty làm việc. Mặc dù đã được thông báo trước một tháng, thế nhưng, mất việc vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhiều công nhân không giấu được nỗi buồn và sự lo toan...

Công nhân nặng trĩu nỗi lo khi mất việc cuối năm

Trong khu trọ gần Công ty Tỷ Hùng, những ngày qua không còn tiếng nói cười, thay vào đó là sự im ắng, bầu không khí trở nên nặng trĩu vì những lo toan cho cuộc sống sắp tới khi họ không còn công việc. Mất việc vào thời điểm gần Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhiều công nhân vừa buồn, vừa lo lắng và cũng đầy tiếc nuối.

“Ngày cuối làm việc ai cũng buồn, nhiều người cố kiềm không để nước mắt rơi nhưng số khác không kiềm được khóc nức nở” - chị Bích, công nhân Công ty Tỷ Hùng, chia sẻ.

Buồn, lo là tâm trạng chung của hơn 1.000 công nhân mất việc. Nỗi buồn càng nhân lên gấp bội khi cả hai vợ chồng chị Phan Thị Kim Hồng (quê An Giang) cùng mất việc một lúc. Hai vợ chồng chị Hồng cùng làm ở Công ty Tỷ Hùng đã 5 năm, khi công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, chị cùng chồng như chết lặng.

“Cả hai người đều mất việc thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Khi còn việc cả hai cùng có thu nhập còn đỡ, giờ mất việc thì mọi chi tiêu sẽ phải eo hẹp hơn” - chị Hồng tâm sự.

Không may mắn hơn chị Hồng, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (45 tuổi, quê Cà Mau), khăn gói lên TPHCM lập nghiệp đã 14 năm, cũng là ngần ấy thời gian chị gắn bó với Công ty Tỷ Hùng. Thời gian làm tại công ty, một mình chị nuôi đứa con (11 tuổi) ăn học. Mọi sinh hoạt, ăn ở và tiền học của con đều từ đồng lương công nhân của chị.

“Tiền con đi học và ăn uống một tháng hơn 5 triệu đồng, tiền trọ 1,5 triệu đồng, trong khi đó tiền lương không tăng ca chỉ hơn 7 triệu đồng nên tháng nào hết tháng đó. Nỗi lo lớn nhất bây giờ là tiền con đi học và chi tiêu cuộc sống hằng ngày không biết xoay xở ra sao...” - chị Hằng trình bày khó khăn.

Người về quê, người quyết bám trụ

Người lao động rời quê lên TPHCM chỉ vì sinh kế, nay sinh kế đã mất, họ lựa chọn rời TPHCM về quê với mái nhà, thửa ruộng, dẫu biết là sẽ khó khăn.

“Chồng tôi lái xe ôm thu nhập không ổn định, nên đồng lương công nhân ít ỏi mỗi tháng là nguồn thu nhập chính trong nhà, nay mất việc chỉ còn mình chồng đi làm sẽ không đủ chi phí. Các công ty giờ chỉ tuyển người từ 45 tuổi trở xuống, còn mình lớn tuổi họ không nhận.

Nếu không xin được việc mình sẽ về quê, về quê có gì ăn đó, ra đồng cũng có ăn, còn ở đây không có tiền không thể mua được gì” - chị Nguyễn Thị Kim Loan (47 tuổi, quê Sóc Trăng) công nhân Công ty Tỷ Hùng giọng trầm buồn, chia sẻ về dự định sắp tới.

Về quê là lựa chọn khi không thể xin được việc, nhưng với một số công nhân, họ phải loay hoay trong tình cảnh, đi không được mà ở cũng chẳng xong, bởi lẽ họ còn con cái đi học tại TPHCM.

Chị Hằng là một trong nhiều trường hợp có con đang đi học tại TPHCM, muốn đi nơi khác tìm việc cũng không được, muốn về quê cũng phải chờ con hết năm học.

“Tôi cũng như nhiều công nhân khác, muốn về quê cũng không được vì con đang dang dở năm học, giờ phải chờ con nghỉ hè mới đưa con về quê gửi ông bà rồi tiếp tục bôn ba. Để giải quyết khó khăn trước mắt, tôi buộc phải xin đi rửa chén thuê tạm thời, cộng khoản trợ cấp thất nghiệp và lương đi làm thời vụ mới đủ cho con đi học. Chứ giờ xin vào công ty mới với mức lương công nhân mới vào sau khi trừ bảo hiểm chỉ còn hơn 4 triệu đồng làm sao đủ lo cho con” - chị Hằng nói trong tiếng thở dài.

Cũng như chị Hằng, hai vợ chồng chị Hồng cũng quyết bám trụ để tìm công việc mới trước Tết để có thể có tiền về quê sum họp gia đình trong những ngày Tết.

“Sau khi nghỉ việc, mình sẽ đi tìm công việc mới để Tết có tiền về quê. Mình có kinh nghiệm làm thợ may nên sẽ đi vòng vòng xem có công ty may nào tuyển dụng mình xin vào làm, nhưng chắc người ta cũng chỉ tuyển thời vụ chứ không có hợp đồng…” - chị Hồng buồn bã, tâm sự.

Trong không khí chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán sắp đến, những người lao động hối hả tìm việc cuối năm, họ đang cố gắng để mình có Tết...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn