MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Đức Môn trò chuyện với phóng viên báo Lao Động. Ảnh: Hải Nguyễn

Gần 38 năm chăm sóc khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Quế Chi LDO | 14/08/2017 06:30
Gần 38 năm nay, kể từ ngày có khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), cụ Nguyễn Đức Môn chính là người đảm nhận công việc trông coi, dọn dẹp, đèn nhang, hương khói cho người chú ruột của mình.
Nhân dịp kỷ niệm Báo Lao Động xuất bản số báo đầu tiên (14.8.1929-14.8.2017), sáng 9.8, trong một ngày hè nắng oi ả, chúng tôi cùng đoàn Báo Lao Động về khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh để dâng hương, dâng hoa tưởng niệm.
Khu lưu niệm được xây dựng trên chính mảnh đất hương hỏa của 8 gia đình trong thân tộc cùng sinh sống có diện tích rộng 1.600m2. Khung cảnh nếp nhà xưa của gia đình cụ Cảnh lúc sinh thời gồm: Ngôi nhà thờ Tổ (vốn là trường dạy học của người thân sinh ra cụ Cảnh), nhà ở, nhà bếp được dựng lại nguyên vẹn trên nền đất cũ. Không gian thật giản dị, khiêm nhường, gợi lại hình ảnh nề nếp, gia phong của một gia đình nho giáo thời xưa.
Gần 38 năm qua, ngôi nhà thờ Tổ, nhà ở, nhà bếp vẫn mở cửa cho những ai đến tham quan và cùng nghe câu chuyện về cuộc đời của chiến sĩ kiên trung trên chính quê hương giàu truyền thống cách mạng.
Tới khu lưu niệm, chúng tôi như được bước vào một miền màu xanh mướt của cây xanh, với nếp nhà tranh xưa cũ. Những cây lược vàng, cây lan… rì rào trong gió, hào phóng tỏa bóng mát cho những vị khách nơi xa về. Ngoài kia, nắng chói chang là thế, mà nơi đây, dưới bóng gây, chỉ còn là sự dịu dàng, tĩnh lặng, trong trẻo, khiến bất kỳ ai đến đây đều cũng muốn nhắm mắt để tận hưởng, để đắm chìm trong không gian tuyệt vời này. Dường như mọi mệt mỏi, bụi bặm đường xa đã dừng lại trước cổng vào khu lưu niệm.
Đón tiếp đoàn Báo Lao Động về dâng hương, ngoài đại diện LĐLĐ huyện Thái Thụy, phòng Văn hóa Thông tin huyện, còn có cụ Nguyễn Đức Môn. Cụ Môn sinh năm 1930, năm nay đã 88 tuổi, là cháu gọi lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh bằng chú ruột. Khung cảnh đẹp đẽ, sạch sẽ, đầy thôn quê nhưng cũng đầy linh thiêng nơi đây có đóng góp không nhỏ từ đôi bàn tay chai sần, khô ráp của cụ Môn.
Vào năm 1980, ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho sự nghiệp cách mạng, năm 1980, những người con quê hương Thái Bình đã xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh ngay tại thị trấn Diêm Điền. Kể từ đó đến nay, cụ Môn là người đảm nhận công việc trông coi, dọn dẹp, đèn nhang, hương khói cho người chú ruột của mình.
Những năm trước đây, khi còn khỏe mạnh, một ngày của cụ Môn thường bắt đầu từ 5-6 giờ sáng để bắt đầu công việc quét dọn sạch sẽ khu lưu niệm. Cụ tỉ mẩn chăm chút để đảm bảo mọi nơi đều được quét dọn sạch sẽ. Sau đó, cụ chuẩn bị để khách vào thắp hương, dâng hoa. Buổi chiều, cụ tiếp tục tiếp các đoàn khách đến, sau đó thu dọn sạch sẽ khu lưu niệm. Tối đến, cụ vẫn tiếp tục ở lại khu lưu niệm đến 21 giờ mới tắt điện. Lúc này, con trai út của cụ sẽ sang ngủ ở khu lưu niệm để trông coi, còn cụ trở về nhà (ở gần khu lưu niệm) nghỉ ngơi.
Đầu năm 2016, cụ Môn bị tai biến. Trải qua cơn bạo bệnh, cụ Môn yếu đi nhiều, không còn nhanh nhẹn, minh mẫn như trước, mắt mờ hơn, chân chậm hơn.
“Bây giờ, mỗi bữa, tôi chỉ ăn được 2 lưng bát cơm, cùng với chút cá kho, quả khế chua. Vậy là xong bữa cơm” - cụ Môn kể. Vì vậy, công việc dọn dẹp được “chuyển giao” cho vợ cụ là bà Giang Thị Sến (năm nay 73 tuổi), còn cụ trở thành “phụ tá” giúp đỡ bà.
Đã gần 38 năm nay, cụ Nguyễn Đức Môn là người chăm sóc, hương khói tại khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: Quế Chi
Trong câu chuyện kể với chúng tôi dưới bóng cây lược vàng mát rượi, cụ Môn bảo, khi được 2 tuổi, thì chú của cụ - đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - đã bị xử tử, vì vậy, cụ chỉ biết về người chú của mình qua những lời kể của những người thân trong gia đình và qua sách vở. Trong hình dung của cụ, người chú ruột học rất giỏi, rất nhanh nhẹn. Sau này, được đọc thêm nhiều tư liệu, cụ càng hiểu thêm về tấm lòng vì nước, vì dân, về quá trình hoạt động cách mạng đầy kiên trung, bất khuất của người chú thân thương.
Hơn thế, hàng ngày, cụ Môn được tiếp chuyện với rất nhiều người, trong đó một số bậc cao niên kể cho cụ nghe những kỷ niệm rất cảm động lúc sinh thời của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.
Với gần 40 năm gắn bó, nơi này đã trở thành máu thịt của cụ. Cụ không nói ra, nhưng chúng tôi đều hiểu, đó không chỉ là tình cảm của cụ đối với người chú ruột mà còn là tình cảm với vị lãnh tụ tiền bối của đất nước, người cộng sản kiên trung đã hy sinh bản thân mình vì tương lai của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn