MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từng là sinh viên trường nghề, anh Nguyễn Văn Thơm (giữa) nay đã trở thành chủ công ty nội thất. Ảnh: Hải Nguyễn

Gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

LƯƠNG HẠNH LDO | 14/07/2023 09:34

Theo một số chuyên gia, hiện nay, các ngành dịch vụ, du lịch và kỹ thuật, công nghệ đang thu hút đông đảo sinh viên đăng ký theo học. Tuy nhiên, để sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, cần sự nỗ lực từ cả 3 bên: Bản thân sinh viên, cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp.

Nghề nào “hot” hiện nay?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sáng 13.7, bà Trần Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cơ khí I Hà Nội (Đông Anh, Hà Nội) - cho biết: Hàng năm, trường tuyển sinh nghề “hot” là nghề kỹ thuật, cơ khí chế tạo, công nghệ ôtô. Trong những năm gần đây, xu hướng học sinh đăng ký học ngành này tăng mạnh, doanh nghiệp cần lao động trong ngành tương đối nhiều.
“Trong quá trình sinh viên học tập tại trường, chúng tôi đã đưa các em đi thực tập tại các doanh nghiệp với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng. Với sinh viên đã tốt nghiệp, có bằng trung cấp thì mức lương thấp nhất là 8 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các khoản tăng ca, làm thêm, phụ cấp và chế độ khác” - bà Hà chia sẻ.
Ông Đỗ Đức Lợi - Trưởng ban Tuyển sinh Trường Cao đẳng Hàng hải I (Hải Phòng) tiết lộ có những ngành sinh viên chưa ra trường, doanh nghiệp đã đến tuyển dụng như ngành logistic, công nghệ ôtô. Nhà trường “mở cửa” cho các doanh nghiệp tới tuyển dụng, các khoa chủ động tìm đối tác cho sinh viên thực tập.
“Quan hệ giữa nhà trường và các doanh nghiệp là quan hệ hai chiều. Không chỉ nhà trường đi mời gọi doanh nghiệp đến tuyển dụng mà doanh nghiệp cũng chủ động tìm đến để giải quyết bài toán nhân lực” - ông Lợi nói.
Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Hà Nội - cũng cho biết, các ngành dịch vụ, du lịch và khoa học kỹ thuật, công nghệ như: Cơ khí, công nghệ ôtô đang thu hút đông đảo lao động. Sinh viên tốt nghiệp các ngành này sẽ có việc làm ngay.
Năm 2023, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 230.000 lượt người; phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%.
Theo ông Thảo, ngoài việc chọn ngành, nghề “hot” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì học sinh, sinh viên, người lao động luôn phải nắm chắc kỹ năng nghề. Kỹ năng nghề sẽ giúp cho công việc của người lao động phát triển, bền chắc, thu nhập tốt hơn.

Cần sự nỗ lực của 3 bên

Nhận định về xu hướng chọn ngành, nghề của phụ huynh, học sinh hiện nay, ông Bùi Tất Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội - cho rằng, đa số phụ huynh đều lúng túng, bị động, chưa xác định ngành học để gắn với vị trí việc làm sau này. Chính vì vậy, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho học sinh cũng gặp nhiều khó khăn.
“Tâm lý chỉ cần học đại học, không cần biết học trường nào, ngành gì, vẫn còn xảy ra. Phụ huynh và học sinh cho rằng, cứ có bằng đại học trước mắt, không làm việc này thì làm việc khác. Họ cũng nghĩ sau khi tốt nghiệp đại học, dịch chuyển nghề nghiệp dễ hơn vì có bằng đại học. Song, thực tế không phải vậy” - ông Hiếu nhận định.
Theo vị phó hiệu trưởng, hiện nay, doanh nghiệp thường tuyển dụng nhân sự làm việc ngay sau khi tuyển dụng, không cần phải đào tạo. Nhưng thực tế, nhiều nhân sự tốt nghiệp đại học vẫn phải cần đào tạo thêm.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, sinh viên sau tốt nghiệp muốn có việc làm ngay, cần sự nỗ lực từ cả 3 bên: Bản thân sinh viên, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Theo bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội - tính đến tháng 4.2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã hợp tác với 1.150 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 37.246 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập.
Khoảng 7.000 người, trong đó có 5.000 học sinh cuối cấp tại Hà Nội đã tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, 96 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động tại Ngày hội gắn kết Giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn