MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 16.1, Công nhân Công ty TNHH MTV Giầy Lập Thạch ngừng việc tập thể vì cho rằng tiền thưởng Tết Nguyên đán thấp. Ảnh: Thuỳ Linh

Gần Tết cả nước xảy ra 18 cuộc ngừng việc tập thể của công nhân

Việt Lâm LDO | 21/01/2020 11:40

Theo thống kê từ các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, tính đến hết ngày 21.1.2020 (27 tháng Chạp năm Kỷ Hợi 2019), cả nước xảy ra 18 cuộc ngừng việc tập thể, đình công (tăng 3 vụ so với dịp Tết 2019). 

Nguyên nhân chủ yếu tập trung vào các nội dung về trả tiền lương, tiền thưởng cho công nhân: Công nhân đề nghị chủ doanh nghiệp trả lương đúng hạn, chi lương tháng thứ 13 và thanh toán chế độ phép cho người lao động không nghỉ hết phép năm 2019; Công ty phải đóng BHXH, BHYT cho công nhân đầy đủ; Công nhân không đồng tình với thông báo về mức lương áp dụng năm 2020; Đề nghị chủ doanh nghiệp có thông báo trước về lịch sản xuất theo tuần để công nhân biết; Phản ánh về chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo... 

Công nhân Công ty TNHH MTV Giầy Lập Thạch ngừng việc tập thể vì cho rằng tiền thưởng Tết Nguyên đán thấp. Ảnh: Thuỳ Linh 

Mới đây, ngày 16.1, hơn 3.000 công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giầy Lập Thạch (Công ty Giày Lập Thạch) ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã ngừng việc tập thể ngày thứ hai vì cho rằng tiền thưởng Tết thấp. Một nữ công nhân cho biết, nguyện vọng của công nhân là muốn được thưởng cho tất cả người lao động trong công ty 1 tháng lương cơ bản (khoảng 3.651.000 đồng), tuy nhiên công ty không chấp thuận mà chia ra các mức A, B, C để thưởng. Nếu công nhân ở mức A được 3 triệu đồng/người; mức B được hơn 2,5 triệu đồng/người; mức C được 1,9 triệu đồng/người.

Trước đó, vụ ngừng việc tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Highvina Apparel (ngành nghề sản xuất may mặc, vốn đầu tư Hàn Quốc), có trụ sở tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Cuộc ngừng việc kéo dài 4 ngày từ ngày 2-6.1 với sự tham gia của 1.318 lao động.

Tập thể công nhân yêu cầu Ban Giám đốc công ty tăng mức lương tối thiểu vùng từ 3.250.000đồng lên 3.490.000 đồng (tăng 240.000 đồng) và tiền ăn từ 14.000 đồng lên 15.000 đồng. Với đề nghị của NLĐ, Ban Giám đốc Công ty đồng ý tăng mức lương tối thiểu vùng từ 3.250.000đ lên 3.460.000đ (tăng 210.000 đồng); tiền ăn từ 14.000 đồng lên 15.000 đồng/người.

Công nhân không đồng tình với phương án tăng lương của Công ty và tiếp tục ngừng việc. Trước tình hình trên, đại diện LĐLĐ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng với các cơ quan chức năng làm việc với lãnh đạo Công ty, hỗ trợ các bên thương lượng, qua đó thống tăng tiền lương tối thiểu: 210.000 đồng; tăng tiền ăn lên 15.000 đồng; các ngày công nhân không làm việc được tính phép thường và chuyên cần. Ngày 7.1, tất cả công nhân đã quay trở lại làm việc bình thường. 

Các cuộc ngừng việc tập thể, đình công trong dịp gần Tết Nguyên đán đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch việc chủ động giải quyết, tránh ngừng việc tập thể, đình công kéo dài và lây lan trong địa bàn, Ban Quan hệ Lao động đã phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các địa phương tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đối thoại với người sử dụng lao động, tuyên truyền pháp luật đối với tập thể người lao động để tìm ra các giải pháp ổn định quan hệ lao động. 

Qua quá trình làm việc, trao đổi, thương lượng, các cuộc ngừng việc tập thể phần lớn đã được giải quyết…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn