MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gánh nặng cơm áo đè nặng lên vai lao động tự do dịp cuối năm

Minh Hương LDO | 08/12/2021 18:30

Hà Nội - Ngồi trước bến xe buýt khu vực Trường Đại học Giao thông Vận tải (quận Đống Đa) chờ khách, ông Dung (70 tuổi) - lao động tự do có thâm niên làm nghề xe ôm hơn 23 năm nay - buồn bã vì từ sáng đến trưa mới kiếm được 60.000 đồng.

Chờ "dài cổ" mới có khách

Theo ông Dung, những năm trước, dịp cận Tết, ông tất bật đi làm từ sáng đến tối cũng không hết việc: Khi chở khách, khi giao hàng, ông chỉ muốn “phân thân” để làm cho kịp. Còn năm nay, "chờ dài cổ" mới có khách gọi xe ôm.

Chờ khách bên bến xe buýt, ông Dung ngồi lướt điện thoại giết thời gian.

Kể về quãng thời gian "hoàng kim" đó, ông Dung cho biết, mỗi ngày chạy tần suất thấp cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Còn nay, ngồi từ sáng tới trưa mới kiếm 60.000 đồng. Đợt dịch thứ 4, ông Dung cảm nhận rõ rệt sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến những lao động tự do như ông.

Ông Dung lý giải, sinh viên vẫn học online tại nhà, người dân vẫn còn dè chừng nên hạn chế đi xe ôm.

Dẫu vậy, đều đặn mỗi ngày ông Dung đều thức dậy thật sớm để chuẩn bị cho công việc. "Đi làm quen rồi, ở nhà buồn tay buồn chân nên tôi ra đây ngồi giết thời gian, kiếm được đồng nào hay đồng đó" - ông Dung nói.

Gần 6 năm làm công việc “bán sức” nhưng chưa năm nào ông Nguyễn Văn Quân (44 tuổi, quê Bắc Ninh) thấy khó khăn như năm nay. Đối với lao động tự do, dịp đông khách nhất là cuối năm, giờ cũng trở nên ế ẩm.

Ảnh hưởng của dịch, nhóm lao động tự do như ông quân ế việc dịp cuối năm.

Thời gian trước, ông Quân cùng 2 người bạn cùng thuê phòng trọ nhỏ trên đường Láng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm nơi nghỉ chân. Dịch bệnh ảnh hưởng, công việc giảm hơn một nửa trong khi đó, tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến ông không thể gánh nổi. Ông Quân đành trả phòng trọ và chấp nhận đi xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội làm việc mỗi ngày.  

“Người ta hay gọi chúng tôi là thợ đụng, vì đụng đâu làm đó. Từ bốc vác, xây trát hay tháo lắp, vận chuyển đồ chúng tôi đều nhận" - ông Quân chia sẻ.

Cuối năm trước, nhóm "thợ đụng" như ông Quân làm không hết việc. Ngày nào cũng từ sáng tới đêm, nhưng năm nay chờ cả ngày may ra mới có khách thuê.

Lướt điện thoại cập nhật tin tức, ông Quân lắc đầu: "Năm ngoái việc nhiều còn được chọn việc, năm nay hiếm việc, người ta thuê việc gì tôi cũng làm, kể cả trả công rẻ hơn trước, miễn sao kiếm được tiền mà không phạm pháp".

Công việc giảm khiến thu nhập không được như trước nhưng người đàn ông ngoài 40 vẫn lạc quan. "Tình hình chung rồi. Nếu không chịu khó đi làm xa, ở quê quanh năm chỉ biết trông vào mấy sào ruộng, lo đủ ăn đã khó chưa nói đến chuyện ốm đau rồi ăn học cho các con", ông Quân nói.

Dọn nhà cũng "đói" việc

Thời điểm này những năm trước, chị Hiền (35 tuổi, quê Thanh Hoá) luôn tất bật lên lịch dọn dẹp nhà cửa cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công việc của chị ít đi rõ rệt. Không có người thuê việc, chị Hiền  chuyển sang thu mua đồng nát.

Chị Hiền cặm cụi tháo từng con ốc trong đống gỗ bỏ đi.

Lọt thỏm trong đống phế liệu, đôi tay chị Hiền thoăn thoắt tìm những miếng bìa carton, vỏ chai nhựa hay những con ốc ghim trong đống gỗ bỏ đi.

Theo chị Hiền, gần 6 năm mưu sinh nơi đất khách, chưa năm nào chị “đói việc” như năm nay vì tâm lý sợ lây lan dịch của khách.

Mỗi ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều ca F0 trong cộng đồng nhưng chị vẫn cố gắng đi làm vì nếu không đi chị sẽ không có tiền chi trả tiền trọ, tiền ăn và gửi về quê cho gia đình. Trước đây, khi chưa có dịch, nếu làm cật lực mỗi tháng chị Hiền kiếm được 8-9 triệu đồng, nay chị chỉ kiếm được một nửa số tiền đó.

Chị nói, dịp cuối năm, nhiều gia đình tranh thủ sửa chữa, xây dựng mới công trình nên chị tận dụng thu mua đồng nát để bù lại những ngày không có việc. Thời gian tới, chị Hiền hy vọng dịch bệnh lắng xuống, có nhiều người thuê việc để chị được “bán sức” kiếm tiền lo cho gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn