MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Sinh bên trong căn phòng trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Gánh nặng tiền thuê nhà của công nhân xa quê

Quế Chi LDO | 11/04/2022 19:31

Với mức thu nhập thấp, tiền thuê nhà luôn là một trong những gánh nặng lớn của công nhân lao động xa quê. Họ không dám mơ có được căn nhà riêng tại nơi làm việc để ổn định cuộc sống lâu dài. 

Chị Sinh làm công nhân ở Thủ đô hơn 10 năm nay. Năm đầu tiên, chị Sinh sống tại ký túc xá của công ty; sau đó, do ký túc đông người, hơn nữa, ký túc lại chuyển đi nơi khác, nên chị chuyển thuê trọ ở ngoài ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), đồng thời chuyển sang công ty khác làm. 

5 năm làm công ty này, mức lương hiện tại của chị được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nếu được đi làm thêm nhiều, thu nhập của chị được 10 triệu đồng/tháng.

Chị Sinh có 1 bé trai 7 tuổi, hiện chị đang gửi tạm về quê. Trước đây, chị và con ở khu nhà trọ này. Khi phải đi làm, chị gửi nhờ bà chủ nhà trông hộ; thi thoảng gửi hàng xóm. “Xóm trọ đều là những công nhân xa quê, cùng cảnh, nên giúp đỡ nhau rất nhiều” – chị Sinh chia sẻ. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị đành phải gửi con; còn chị một mình ở lại Hà Nội đi làm, kiếm sống, kiếm tiền nuôi con ăn học.  

“Lương cơ bản của tôi là 6 triệu đồng/tháng. Nếu không làm thêm, cộng với các khoản trợ cấp (chuyên cần, đi lại, đời sống, nhà ở, con nhỏ, xăng xe), thu nhập của tôi hiện tại được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nếu tháng nào làm thêm nhiều nhất thì được 10 triệu đồng” – chị Sinh cho hay.  

Khi hỏi về tiền thuê trọ, chị Sinh nói, do phòng trọ chật chội, lại nhiều đồ, nên chị phải thuê thêm một phòng trọ phụ để nấu ăn, để đồ đạc; phòng chính dùng để ngủ. Thuê 2 phòng như trên tốn kém hơn, nhưng chị chấp nhận để có không gian thoải mái hơn. 

Vào mùa đông, cả tiền điện nước, tiền thuê trọ của 2 phòng khoảng 1,1 triệu đồng/tháng. Mùa hè, dùng nhiều tiền điện nên chị mất khoảng 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà và điện nước. 

“Bây giờ tôi ở một mình còn đỡ, trước đây còn ở với con thì tốn kém hơn nhiều. Con ở đây học, chi phí nhiều nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Lúc có việc, tôi phải cố gắng làm thêm thật nhiều để bù vào những lúc không có việc; rồi chi tiêu tằn tiện hơn với những nhu cầu của bản thân, nhất là trong những tháng công ty ít việc, thu nhập thấp. Tất cả dành cho con” – chị Sinh chia sẻ. 

Chị Sinh bảo, thời gian gần đây, giá xăng, giá thực phẩm tăng, nên chị càng phải chi tiêu tiết kiệm hơn. “Tôi phải tiết kiệm để đề phòng những lúc mình bị ốm đau, không đi làm được, không có tiền” – chị Sinh cho hay. 

Một khu nhà trọ xuống cấp dành cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân 

Cũng giống với chị Sinh, gia đình anh Khánh cũng đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. “Nếu có làm thêm, thu nhập của tôi đượckhoảng 8-9 triệu đồng/tháng, tháng cao nhất được 11 triệu đồng/tháng; nếu không, thu nhập của tôi chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vợ tôi cũng có thu nhập tương tự” - anh Khánh nói.  

Với mức thu nhập trên, mỗi tháng, vợ chồng anh phải gửi khoảng 5 triệu đồng về cho ông bà trông nom 2 cháu (học lớp 6 và 5 tuổi). Ngoài ra, vợ chồng công nhân này còn phải trả tiền thuê nhà (1 triệu đồng/tháng), tiền điện nước (200.000-300.000 đồng/tháng); tiền ăn uống (3 triệu đồng/tháng)… “Vừa qua, giá xăng, giá các loại mặt hàng nhất là thực phẩm tăng, khiến cuộc sống của vợ chồng tôi khó khăn hơn” - anh Khánh chia sẻ.  

Với mức thu nhập như trên, anh Khánh không mong mình sẽ mua được nhà ở Hà Nội. Anh dự định sẽ làm một thời gian rồi sẽ trở về quê. Đây cũng là lựa chọn của rất nhiều vợ chồng công nhân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi. 

Năm 2019, Viện Công nhân và Công đoàn và tổ chức Oxfam đã thực hiện nghiên cứu mang tên “Tiền lương không đủ sống và hệ luỵ” nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam. Nghiên cứu này cho thấy tiền lương công nhân nhận được không thể tạo cho họ một mức sống tử tế. Mặc dù có tới 67% công nhân ở nhà riêng, nhưng 23% đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ, và 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa nhưng không chắc nguồn nước sử dụng có sạch và an toàn hay không.  Lương thấp cũng có nghĩa là công nhân không thể cải thiện điều kiện sống, họ phải hy sinh những vật dụng thiết yếu khác hoặc chấp nhận mắc nợ. Một công nhân cho biết căn nhà nhỏ nơi cô và chồng ở cùng với ba đứa con nhỏ thường bị dột khi trời mưa. Họ phải vay 500 triệu đồng, và vay thêm từ gia đình, để xây lại ngôi nhà. Thu nhập trung bình hàng tháng của cô là 5,5 triệu đồng, nghĩa là cô không thể tiết kiệm chút nào sau khi trang trải các khoản cơ bản và trả các khoản vay.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn