MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục tạ rau, củ miễn phí đã đến tay người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn tại Khu Công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Gặp người phụ nữ "rau 0 đồng" ở Hà Nội: Có cuộc gọi không kìm lòng được!

LƯƠNG HẠNH LDO | 09/08/2021 16:32
17 ngày với hàng chục tạ rau củ, chị Ngô Thị Chinh (SN 1974) trú tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đã và đang tiếp tục công việc thiện nguyện phát rau 0 đồng cho công nhân và người lao động gặp khó khăn trong Khu công nghiệp Thăng Long.

Bỏ qua khó khăn riêng vì lợi ích chung

Chồng mất cách đây 7 năm, một mình chị Chinh vừa nuôi các con khôn lớn trưởng thành, vừa lo làm ăn kinh tế. Có lẽ, vì xuất phát từ những khó khăn gian khổ thời thơ ấu cho đến tận lúc trưởng thành nên chị Chinh càng thấm nỗi khổ của những người yếu thế trong xã hội.

Không chỉ thế, nhà hàng của chị Chinh đã phải đóng cửa liên tục nhiều tháng nay do dịch bệnh. Tiền trả lương nhân viên, tiền duy trì nhà hàng… bao nhiêu thứ phải xoay xở. Nhưng không vì vậy mà chị Chinh bỏ lỡ “cơ hội” được được giúp đỡ những người đang gặp khó khăn hơn chị gấp nhiều lần.

Hàng tạ rau đã được chuyển đi miễn phí mỗi ngày.

Biết chị Chinh làm thiện nguyện, nhân viên nhà hàng của chị không về quê mà chấp nhận ở lại cùng làm thiện nguyện. Bình thường, chị Chinh trả cho họ từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, hiện nay họ không nhận tiền lương mà chỉ nhận hỗ trợ bữa ăn. Ngay khi có điều kiện, động lực để giúp đỡ người nghèo khó, chị bắt tay vào thực hiện.

Dịch COVID-19 bùng phát, Khu Công nghiệp Thăng Long là nơi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Rất nhiều công nhân phải cách ly, thực hiện giãn cách xã hội, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Chính vì vậy, chị Chinh đã thu mua các loại rau từ hộ nông dân trong và ngoài xã Kim Chung để phát cho công nhân và lao động tự do tại đây.

Nhân lực chính hỗ trợ là nhân viên trong nhà hàng của chị Chinh.

“Nông dân họ thấy tôi thu mua về làm thiện nguyện nên cũng bán với giá rẻ hơn. Có nhà còn ủng hộ 1 tạ mướp để tôi mang đi tặng. Việc này là việc làm cá nhân, tôi cũng không kêu gọi bất kỳ ai tham gia. Chỉ có một vài nhân viên của tôi và các anh em thân thiết phụ giúp tôi sắp xếp và mang đến các đầu ngõ cách ly để công nhân họ ra lấy thôi”, chị Chinh bày tỏ.

Lo công nhân nghèo không có đồ ăn

Được biết, trung bình mỗi ngày, chị Chinh mua về từ 5 đến 6 tạ rau các loại như rau muống, mướp, cà, khoai sọ… Mỗi túi quà, chị sẽ sắp 1 mớ rau muống và 5 đến 6 quả mướp. Ngày nào thu mua được loại rau nào thì chị mang đi tặng loại rau ấy. 17 ngày phát rau miễn phí với số tiền gần 30 triệu đồng, chị Chinh cùng các nhân viên của mình vẫn miệt mài với công việc này...

Hội Phụ nữ kết hợp cùng chị Chinh nhờ chủ trọ đem đến cho công nhân đang bị cách ly trong khu trọ.

Chị Chinh chia sẻ: “Chỉ riêng trong ngày hôm nay, tôi đã nhận được hơn 60 cuộc gọi. Có những cuộc gọi khiến tôi không kìm lòng được. Các bạn ấy là lao động tự do, ở trong nhà 2-3 ngày nay không có đồ ăn. Trong khi địa điểm phát rau của tôi lại cách xa các bạn ấy. Tôi phải nhờ Hội Phụ nữ của xã mang đi phát làm sao để vừa giúp đỡ được công nhân, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”.

Năm 2010 là năm đầu tiên chị Chinh bắt đầu làm thiện nguyện. Cứ đến kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ (27.7), chị bỏ tiền ủng hộ xây dựng nhà cho các cụ già thương binh không nơi nương tựa, trao hàng trăm phần quà đến các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ…

Những mớ rau muống được xếp ngay ngắn chuẩn bị đến tay người có hoàn cảnh khó khăn...

Bà Lê Thị Minh Nhàn – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Chung cho biết, việc làm của chị Chinh rất nhân văn. Chị Chinh đã làm việc phát rau thiện nguyện được 17 ngày. Mới đầu khi chị Chinh bắt tay vào làm công việc phát rau miễn phí có ít người dân biết đến. Nhưng khi kết hợp với Hội Phụ nữ để rà soát hộ nghèo, hộ đang cách ly trên địa bàn xã thì việc phát rau diễn ra nhanh chóng hơn, nhiều người biết đến hơn.

Cũng theo bà Nhàn, các thành viên trong Hội Phụ nữ của xã kết hợp với chị Nhàn đem rau đến các khu cách ly, sau đó để tại trước cổng để chủ nhà trọ ra lấy. Sau đó, chủ trọ sẽ phát lại cho các công nhân trong khu trọ đang bị cách ly. Ngoài ra, chị Nhàn và chị Chinh để rau tại các khu vực chốt kiểm soát dịch, công nhân đi làm về sẽ tiện đường qua lấy hơn.

Chị Chinh cũng chia sẻ, nếu dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, chị đành phải tạm dừng việc phát rau thiện nguyện để phòng, chống dịch. Sau khi kiểm soát dịch bệnh được kiểm soát, chị sẽ tiếp tục làm công việc “từ tâm” như nhiều năm nay chị vẫn làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn