MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động ở Tiền Giang mong muốn xem xét tăng lương tối thiểu vùng để đời sống bớt khó khăn hơn. Ảnh: Thành Nhân

Giá cả chạy trước đồng lương

Thành Nhân LDO | 19/12/2023 13:54

Năm 2022, lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% nhưng với tình hình vật giá tăng cao, thu nhập thực tế của người lao động hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu. Việc giá cả chạy trước đồng lương khiến họ phải chật vật chi tiêu...

Thu nhập chưa đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu

Chị Đoàn Thị Tư (55 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang) đang làm việc tại một doanh nghiệp ở cụm Công nghiệp Trung An (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hàng tháng, chị phải trả tiền nhà trọ khoảng 1,2 triệu đồng và nhiều khoản chi cố định khác như tiền điện, tiền nước,... Trong khi đó, giá thực phẩm tăng cao khiến thu nhập chỉ đủ chi phí hằng ngày, cuộc sống rất khó khăn, không biết bao giờ mới ổn định được.

Theo chị Tư, mặc dù từ ngày 1.7.2022, mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%, nhưng thu nhập của công nhân lao động hiện nay nếu tiết kiệm chi tiêu chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Làm tháng nào chi tiêu tháng đó. Nếu không tăng ca thì đời sống còn chật vật hơn nhiều. Trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp đa số đều không có tăng ca, do đó thu nhập của công nhân lao động cũng giảm sút.

Tương tự như chị Tư, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ngụ ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, mức thu nhập hiện tại so với vật giá khiến cuộc sống của người lao động rất chật vật. “Đời sống đã khó khăn, thu nhập chỉ trang trải cuộc sống mỗi tháng, có khi còn túng thiếu, không biết bao giờ mới ổn định được” - chị Hồng nói.

Sớm tăng lương tối thiểu vùng để cải thiện đời sống người lao động

Anh Nguyễn Hữu Đức (quê Bến Tre, làm việc tại một doanh nghiệp tại cụm Công nghiệp Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, lương của anh hơn 6,5 triệu đồng/tháng. Với đồng lương này, khi vật giá tăng thì người lao động, đặc biệt là người lao động có con nhỏ như anh sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, tiền thuê nhà trọ, có con nhỏ còn trong thời gian đi học, cùng với chi phí sinh hoạt tăng cao... đã ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Anh Đức cho rằng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả hàng hóa để đảm bảo đời sống người lao động; đồng thời, cần xem xét tăng lương tối thiểu vùng để đời sống của công nhân lao động bớt khó khăn.

“Tôi và vợ đi làm, tổng thu nhập của 2 vợ chồng mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng. Chưa kể tiền thuê nhà trọ, điện nước, tôi phải trích 4-5 triệu đồng gửi về cho bố mẹ để chăm con đi học nữa, thu nhập còn lại để xoay xở cuộc sống của 2 vợ chồng, liên tục thiếu trước hụt sau” - anh Đức chia sẻ.

Còn theo anh Nguyễn Văn Tâm (đang làm việc tại một công ty ở cụm công nghiệp Trung An), cơ quan chức năng cần kiểm soát giá cả, so sánh với mức thu nhập của người lao động để sớm tăng lương tối thiểu vùng càng sớm càng tốt. Vì khi lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh tăng lương cho người lao động, giúp cải thiện đời sống của người lao động.

Theo báo cáo số 1820 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang, trong tháng 11.2023 cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận 2.716 hồ sơ đề nghị nhận chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11.2023, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận 19.679 hồ sơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn