MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân đi chợ gần KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Minh Phương

Giá cả tăng, khó đảm bảo mức sống công nhân

Minh Phương LDO | 04/03/2022 11:00
Theo công bố khảo sát gần đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tiền lương năm 2021, mức lương trung bình của công nhân là 7,84 triệu đồng/tháng (bao gồm tăng ca, phụ cấp) nhưng với sự gia tăng chóng mặt của xăng dầu, CPI tiêu dùng (bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm trước) sẽ rất khó để đảm bảo mức sống tốt cho công nhân lao động.

Chi tiêu tằn tiện

Từ 15 giờ ngày 1.3, giá xăng tăng 540 - 550 đồng mỗi lít - tiến sát 27.000 đồng, được ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay... Giá xăng tăng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ phải chi tiêu tằn tiện...

Ra Tết 2022, chị Phạm Thị Thắm - công nhân một công ty linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) hầu như không được tăng ca. Với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng, chị Thắm nói, khi vật giá leo thang, chị phải tiết kiệm lắm mới có thể sống được ở thành phố.

Chị Thắm lấy ví dụ, bó rau 5.000 đồng giờ cũng lên 10.000 đồng, trước đổ xăng 60.000 đồng đầy bình thì giờ lên gần 90.000 đồng. Mặt khác, nữ công nhân còn phải chi thêm khoản tiền mua kit test nhanh COVID-19 khi trở thành F1.

Chị Thắm cho biết, tiền kit test nhanh ban đầu có giá 65.000 đồng/bộ, 1 tuần trở lại đây, giá đã tăng lên 80.000 đồng. Từ ra Tết đến nay, chị đã mua 500.000 đồng tiền kit test. “Tôi tiếc tiền nên chỉ tự test nhanh. Nếu phải test PCR số tiền phải lên vài triệu đồng” - chị Thắm cho hay.

Chi tiêu tốn kém, chị Thắm tiết kiệm bằng cách đi bộ nhiều hơn, thức ăn đơn giản và tiết kiệm điện thắp sáng. Mỗi tháng, chị vẫn gửi về cho các con ở quê 2,5 triệu đồng trong khoản tiền lương eo hẹp của mình. Còn lại 3 triệu, chị để 600.000 đồng trả tiền thuê trọ, 1,5 triệu đồng tiền ăn uống, xăng xe, còn lại, nữ công nhân để dành phòng khi ốm đau.

“Dịch đã khó khăn, cái gì cũng tăng giá. Chỉ có lương công nhân là không tăng thôi” - chị Thắm bày tỏ.

“Xăng tăng thế này chán lắm, mua gì cũng đắt” - bà Nguyễn Thị Khuy - Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) than thở khi giá xăng tăng cao.

Hằng ngày, bà Khuy (sinh năm 1974, ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đi hết 30km cho quãng đường từ nhà đến nơi làm và ngược lại. “Đó là chưa tính thêm những lần đưa rác đến nơi tập kết” - bà Khuy nói.

Trước đây, khi giá xăng ở mức bình ổn, bà đổ 70.000 đồng là đã đầy bình, nhưng hiện tại, 100.000 đồng mới có thể đầy bình xăng. Nếu 1 tháng làm 26 ngày, lương của bà được hơn 4 triệu đồng, trong khi, mỗi tháng bà chi khoảng 700.000 đồng cho việc đổ xăng.

Chồng bà cũng làm công nhân môi trường, lương “ba cọc ba đồng”, nếu tính riêng tiền xăng của 2 vợ chồng rơi vào khoảng hơn 1 triệu đồng. Bà Khuy cho biết, số tiền này bằng tiền ăn hơn nửa tháng của cả gia đình.

Lương đủ sống

Anh Trần Văn Khôi - công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam (Đông Anh) cho biết, anh đi rửa xe, mua thức ăn hay mua thuốc thấy đều tăng giá so với trước. Khi anh hỏi lý do giá tăng liên tục thì nhận được câu trả lời: “Xăng tăng cái gì cũng tăng theo”.

“Dù đó là sự thật hay không thì tôi thấy rằng, mỗi lần xăng tăng, đều kéo theo thứ khác tăng theo” - anh Khôi nói.

Làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long 8 năm, thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm công nhân 5 năm, lương khoảng 7 triệu đồng. Theo anh Khôi, để có mức lương tạm gọi ổn định như vậy, công nhân phải được tăng ca, làm thêm giờ, cộng với thâm niên làm việc.

“Nếu lương công nhân có tăng thêm 10%, thì các mặt hàng khác cũng sẽ tăng 20-30%. Như vậy, lương của chúng tôi có tăng cũng chỉ đủ sống, muốn có cuộc sống tốt hơn sẽ không thể phụ thuộc vào tiền lương” - anh Khôi chia sẻ.

Theo tổ chức Oxfam tại Việt Nam, lương đủ sống là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết - bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.

Mức lương đủ sống không phải là xa xỉ, đó là mức tối thiểu mà tất cả mọi người làm việc đều cần có để thoát nghèo. Lương đủ sống là mức lương công nhân kiếm được trong một tuần làm việc tiêu chuẩn (tối đa không quá 48 giờ) và đủ để trang trải một mức sống tử tế cho người lao động và gia đình họ. Đó là mức tối thiểu mà tất cả mọi người làm việc đều cần có để thoát nghèo.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐVN), thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, 5 năm gần đây, tính từ 2016 đến 2019, mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng bình quân 7,4%/ năm. Hai năm qua, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc đàm phán, thương lượng mức lương tối thiểu đã không được thực hiện và khả năng cao, mức lương tối thiểu mới sau khi được điều chỉnh chỉ được áp dụng từ 1.1.2023. Trong lúc đó, khá nhiều doanh nghiệp, dựa vào việc Chính phủ không điều chỉnh mức lương tối thiểu để từ chối thương lượng, điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Hệ lụy của tình trạng này là người lao động đã khó khăn vì thu nhập bị giảm do tác động của đại dịch COVID-19 lại không được điều chỉnh tăng lương nên càng chồng chất những khó khăn. 

Không dừng ở đó, theo ông Quảng, trong bối cảnh gần đây, nhất là vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá xăng tăng kéo theo một loạt mặt hàng khác đang tăng và có xu hướng tăng. “Có thể nói, người lao động đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cả tăng cao, tiền lương thực tế bị giảm sút” - ông Quảng nhận định.

Vì vậy, theo ông Quảng, thời điểm hiện nay, trong bối cảnh thiếu hụt lao động, để giữ chân và thu hút người lao động, người sử dụng lao động cần phải quan tâm hơn nữa vấn đề tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động cho người lao động. Doanh nghiệp phải coi tăng lương, trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Đối với tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở phải chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế lương, quy chế thưởng bảo đảm quyền lợi của người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, công đoàn cơ sở cần chủ động rà soát, xem xét, thương lượng, đề xuất tăng tiền lương cho người lao động, khắc phục tình trạng “chỉ tăng lương khi Chính phủ điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu” - ông Quảng đề xuất.Bảo Hân ghi


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn