MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gia đình công nhân thuê trọ mong muốn có cách tính giá điện phù hợp với mức tiêu thụ cũng như thu nhập của họ. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Giá điện cho công nhân - mỗi nơi mỗi khác

Bảo Hân LDO | 08/10/2022 14:00
Hiện nay, rất nhiều công nhân thuê trọ tại các khu nhà do người dân xây dựng đang phải chịu giá điện cao hơn giá điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, có những công nhân đã thuê hoặc mua được chung cư (khu nhà ở công nhân hoặc nhà ở xã hội) thì được hưởng giá điện sinh hoạt như những người dân khác.

Giảm tiền điện nhưng… tăng giá nước  

Một nam công nhân, tên H, trú tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: Gia đình anh có 4 người, với những vật dụng cơ bản như máy giặt, tủ lạnh, quạt, bình nóng lạnh…, mỗi tháng, gia đình anh tiêu thụ bình quân khoảng 200 số điện. Những tháng hè, phải dùng máy điều hoà nhiệt độ nhiều, con số này có thể lên tới gần 300. Hiện giá điện chủ nhà trọ đang áp cho những hộ thuê trọ như anh là 3.000 đồng/số. “Tính ra mỗi tháng trung bình tôi phải chi trả 600.000-700.000 đồng tiền điện; mùa hè, cao điểm tôi phải trả 900.000 đồng tiền điện” - nam công nhân nói. Đây là số tiền lớn so với tổng thu nhập của vợ chồng anh, nhất là khi cuộc sống ở trọ có rất nhiều thứ phải trang trải. Cũng vì giá điện cao, các thành viên trong gia đình anh luôn phải rón rén sử dụng điện, sao cho tiết kiệm nhất có thể.  

Theo nh H, giá điện 3.000 đồng/số là quá cao so với thu nhập của công nhân, đây cũng là mức giá cao vô lý. Anh H ví dụ, gia đình một người họ hàng của anh ở chung cư khu nội thành sử dụng điện nhiều hơn so với gia đình anh, nhưng tiền điện một tháng chỉ khoảng 500.000-600.000 đồng. “Như vậy là rất bất công. Công nhân thuê trọ có cuộc sống bấp bênh, thu nhập thấp, thiếu thốn trăm bề nhưng lại phải trả tiền điện với giá cao hơn người dân khác” - anh H bày tỏ.   

Anh H than thở, dù biết mình phải trả mức giá điện cao hơn bình thường, nhưng anh không biết cách nào thay đổi để được hưởng giá điện sinh hoạt như những người dân khác. “Đợt trước, chủ nhà trọ giảm giá điện từ 3.000 đồng/số xuống còn 2.500 đồng/số, nhưng đi kèm với đó là… tăng giá nước từ 8.000 đồng/m3 lên 10.000 đồng/m3. Sau đó, giá điện lại trở về mức 3.000 đồng/số, còn tiền nước vẫn giữ nguyên mức tăng mới này. Mua giá cao nhưng chúng tôi chỉ được dùng nước giếng khoan” - anh H cho hay.  

Nam công nhân này cho biết, anh chưa tìm hiểu cụ thể về đề xuất cách tính giá điện mới, nhưng anh lo ngại, nếu giá điện tăng thì chủ nhà trọ sẽ có xu hướng tăng giá tiền điện lên cao hơn nữa. 

Gia đình công nhân mong được hưởng giá điện phù hợp  

Cách nhà anh H không xa, gia đình anh Nguyễn Thanh Tâm được hưởng giá điện sinh hoạt như những hộ dân khác. Được như vậy là bởi anh đã mua được một căn nhà ở xã hội tại chung cư CT4.  

Như nhiều gia đình nhỏ (4 người) khác, nhà nam công nhân này dùng những vật dụng cơ bản, như: Máy giặt, bình nóng lạnh, quạt điện, bếp điện, tủ lạnh… “Bình thường, gia đình tôi dùng hết hơn 300 số điện/tháng, tương đương 600.000-700.000 đồng/tháng. Tháng 9 vừa qua, tổng số điện tiêu thụ của gia đình tôi là 331, tổng số tiền tôi phải thanh toán là hơn 770.000 đồng” - anh Tâm chia sẻ.  

Anh Tâm cho biết, anh chưa nắm cụ thể thông phương án 5 bậc giá điện mà Bộ Công Thương đề xuất, nhưng anh mong mỏi phương án biểu giá bán điện lẻ sinh hoạt mới sẽ tính toán để làm sao có lợi hơn đối với những gia đình người lao động như anh - những hộ thường sử dụng điện hơn 300 số điện/tháng.

“Nếu chỉ tính giá điện thấp hơn cho những người dưới 100-200 số điện/tháng thì rất ít gia đình công nhân được hưởng giá điện này. Mức tiêu thụ 100 số điện/tháng có lẽ chỉ dành cho những gia đình nào có 1-2 người, sống ở quê mà thôi” - anh Tâm nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn