MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Triệu Thị Liên (công nhân Công ty TNHH JNTC Vina, KCN Thụy Vân, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) trong căn phòng trọ. Ảnh: NVCC

Gia đình công nhân càng khốn khó khi có người bị bệnh

bảo Hân LDO | 08/04/2022 07:54
Thu nhập thấp nên đời sống của nhiều gia đình công nhân rất khó khăn, thiếu thốn. Họ càng chật vật hơn khi không may bản thân hoặc người thân bị bệnh tật, ốm đau hay tai nạn.

Thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống 

Không có việc làm ở quê, chị Triệu Thị Liên chấp nhận xa chồng con ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lên làm công nhân Công ty TNHH JNTC Vina, khu công nghiệp Thuỵ Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Làm công nhân 2 năm, lương cơ bản của chị Liên là 4.470.000 đồng, cộng các khoản phụ cấp, nếu không tăng ca, tổng thu nhập của chị Liên được 6 triệu đồng/tháng (2 tuần làm ngày, 2 tuần làm đêm).

“Thu nhập này chỉ đủ cho gia đình tôi sống qua ngày, không thể dành được đồng nào” - chị Liên cho hay.  

Chị Liên nhẩm tính, mỗi tháng chi 500.000 đồng thuê trọ; 500.000 đồng xăng xe; ăn uống tằn tiện khoảng 1 triệu đồng. 

“Ngoài phần chi tiêu tùng tiệm cho bản thân, còn lại tôi gửi về quê để nuôi các cháu” - chị Liên nói.  

Chồng chị làm nghề tự do, không có thu nhập ổn định nên gần như các khoản trang trải trong nhà đều trông chờ vào thu nhập ít ỏi của chị. Nữ công nhân này cho biết, thời điểm hiện tại, công ty ít việc nên chị ít được tăng ca. Khi nhiều việc, tăng ca nhiều, thu nhập lên tới 10-11 triệu đồng/tháng. Chị Liên có 2 con (8 tuổi và 4 tuổi). Tháng 10.2020, cháu út bị ốm, đi viện, bác sĩ chỉ định phải mổ tim. Thời điểm ấy, gia đình chị rất khó khăn, phải vay mượn, đưa con đi mổ gấp và phải kiểm tra định kỳ trong 6 tháng. Chị Liên luôn mong mỏi dành dụm một khoản tiền đề phòng khi con ốm đau.  

Lo lắng khi không có tiền dành dụm  

Cũng có hoàn cảnh khó khăn như chị Liên là chị Nguyễn Thuỳ Linh (Công nhân Công ty TNHH Yakjin Việt Nam, khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). 

Sau 3 năm lập gia đình, có con 2 tuổi, chị Linh phát hiện bị bệnh ung thư. Thời điểm đó, lương cơ bản của chị 3,7 triệu đồng/tháng; chồng làm nghề tự do, không ổn định nên tổng thu nhập của vợ chồng trẻ này rất thấp, khó khăn mỗi đợt lo kinh phí chữa trị.

Từ đó đến nay, cứ 1-3 tháng chị Liên lại phải lên Bệnh viện K kiểm tra và uống thuốc.

“Bảo hiểm xã hội chỉ chi trả một phần nên mỗi lần đi khám bệnh tôi tiêu tốn hơn 2 triệu đồng” - chị Linh kể.

Số tiền trên, so với thu nhập của chị là rất lớn. Sau 8 năm làm công nhân, hiện lương cơ bản chị Linh đang được hưởng là 4,5 triệu đồng/tháng; tổng thu nhập được khoảng 6,5-6,7 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng làm công nhân nhưng chỉ đi làm giờ hành chính nên thu nhập chỉ được 4,5-5 triệu đồng/tháng. 

Sau thời gian điều trị bệnh, sức khoẻ của chị Linh suy giảm nhiều so với trước nhưng nữ công nhân này vẫn chăm chỉ đi làm để kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Thời điểm này, đơn hàng nhiều nên chi Linh thường xuyên làm thêm.

“Tôi rất lo lắng khi không có khoản tiền dành dụm để đề phòng chữa trị bệnh sau này” - chị Linh chia sẻ.

Năm 2019, Viện Công nhân và Công đoàn và tổ chức Oxfam đã thực hiện nghiên cứu mang tên “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, hầu hết các công nhân rất lo lắng khi bản thân bị ốm, hoặc con ốm, chồng/vợ ốm. 36% công nhân được khảo sát cho biết họ đang bị một bệnh gì đó, như hen suyễn, dạ dày, huyết áp, tiểu đường, tim… Đa số họ phải vay tiền trong hoàn cảnh này. Có công nhân bị trầm cảm, bác sĩ kê đơn điều trị 3-4 tháng nhưng chị chỉ dám uống thuốc 1 tháng. 53% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men. Một số công nhân rơi vào cảnh nợ nần không có khả năng chi trả, phải bán nhà, bán xe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn