MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con gái của anh Dũng - lao động Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội - ăn cơm một mình (ảnh chụp trưa 24.2). Ảnh: NVCC

Gia đình công nhân “chiến đấu” với COVID-19

Quế Chi LDO | 25/02/2022 06:44
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều gia đình công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) mấy ngày qua có nhiều thành viên nhiễm bệnh, cuộc sống, công việc, thu nhập của họ bị ảnh hưởng...

Cả 2 vợ chồng dương tính với COVID-19  

Anh Đoàn Anh Dũng (người lao động khu công nghiệp Thăng Long, thuê trọ tại chung cư CT1A, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) dương tính với COVID-19 từ ngày 19.2. Vợ anh là F1, sau đó 1-2 ngày thì cũng chuyển lên thành F0. Rất may, con gái (năm nay học lớp 1) vẫn âm tính.  

Gần trưa 24.2, khi phóng viên Báo Lao Động gọi điện đến, anh Dũng cho biết, anh đang nấu ăn cho cả nhà. Từ khi dịch COVID-19 xâm nhập vào gia đình nhỏ này, anh Dũng thay vợ nấu ăn cho cả gia đình. Vợ anh có các triệu chứng rõ ràng hơn, người mệt mỏi, nên nằm nghỉ ở trong nhà. Nấu ăn xong, anh chia làm 3 phần, mỗi người sẽ ngồi ăn riêng để tránh tiếp xúc với nhau. Anh Dũng bảo, anh bị COVID-19 trước, được vợ chăm sóc; còn bây giờ anh đỡ thì chị lại bị, nên đến lượt anh chăm lại vợ. 

“Căn hộ nơi chúng tôi thuê có 2 phòng ngủ. Đúng ra, 2 vợ chồng phải ở một phòng; con phải ở riêng một phòng để ngăn ngừa lây lan cho con. Nhưng con gái tôi còn bé - mới lên lớp 1 - chưa hiểu chuyện, nên nhất quyết không ở một mình, mà chỉ ở cùng phòng với mẹ. Vì vậy, nên tôi phải ở một phòng, 2 mẹ con ở một phòng” - anh Dũng kể.  

Để đảm bảo thực phẩm cho gia đình, anh Dũng nhờ hàng xóm mua, rồi tích trữ đồ trong tủ lạnh. Ngoài ra, vợ chồng anh cũng mua thuốc để điều trị các triệu chứng của bệnh; mua lá để xông… Anh Dũng cho biết: “Sau khi xét nghiệm COVID-19 ở xã xong thì vợ chồng tôi tự cách ly ở nhà, theo dõi, mua thuốc uống; bên công ty cũng nhiều lần hỏi thăm sức khoẻ của tôi. Đến bây giờ, tôi chưa tìm hiểu bảo hiểm xã hội có hỗ trợ đối với những người nhiễm COVID-19, tự điều trị tại nhà không, nhưng tôi hy vọng có hỗ trợ phần nào cho công nhân, vì khi điều trị COVID-19 tại nhà, tiền mua thuốc, mua que xét nghiệm khá tốn kém, lên đến tiền triệu” - anh Dũng nói.  

Gánh nặng chi phí

Khác với gia đình anh Dũng, tại gia đình chị Đinh Thị Bẩy (công nhân Công ty SEI), chị và con gái út (học lớp 3) bị dương tính với COVID-19; còn chồng và con trai lớn (lớp 6) vẫn âm tính. “Đợt vừa rồi, cháu út đi học trực tiếp tại trường thì bị nhiễm bệnh, xét nghiệm dương tính vào ngày 18.2. Sau đó 2 ngày, tôi thấy mệt mỏi, tự xét nghiệm thì “2 vạch” - chị Bẩy kể lại.  

Từ khi chị Bẩy và con út được xác định nhiễm bệnh, gia đình chị chuyển sang chế độ “chia cắt”: Chị và cháu út ở một phòng; còn chồng và cháu lớn ở phòng còn lại. Căn hộ chỉ có một phòng vệ sinh chung, nên mỗi sáng, chị và con út dậy sớm sử dụng trước; sau đó, chồng chị sẽ sát khuẩn phòng vệ sinh rồi mới đánh răng, rửa mặt. Mỗi khi muốn trao đổi gì với nhau, chị lại hé cửa để nói với chồng. 

“Từ khi tôi bị bệnh, việc nấu nướng trong nhà đều do chồng tôi phụ trách. Mỗi khi nấu xong, chồng tôi mang đến tận cửa phòng, tôi mở cửa tự lấy để tránh tiếp xúc trực tiếp. Mỗi khi muốn ra ngoài mua thực phẩm, chồng tôi đều tự xét nghiệm, nếu âm tính mới đi” - chị Bẩy nói.  

Theo chị Bẩy, con gái út bị COVID-19 từ ngày 18.2, đến ngày 23.2, khi test lại, vẫn chưa âm tính. Còn chị, từ 21.2 đến nay, chị chưa test lại vì cảm thấy người vẫn mệt mỏi; hơn nữa, mỗi lần test khá tốn kém. “Tôi khá lo lắng chồng và con trai đầu sẽ bị lây, vì có 1-2 ngày trước khi tôi phát hiện mắc COVID-19, tôi vẫn nấu ăn, chăm sóc cho cả nhà. Tôi hy vọng điều đó không xảy ra, vì ngoài ảnh hưởng đến sức khoẻ, điều này còn khiến chúng tôi phải nghỉ nhiều hơn, ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của cả 2 vợ chồng” - chị Bẩy chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn