MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc cho con vào học lớp 1 là chuyện khá đau đầu của nhiều cặp vợ chồng công nhân ở trọ. Ảnh minh họa: Bảo Hân

Gia đình công nhân có con vào lớp 1: Bộn bề lo âu

Bảo Hân LDO | 24/08/2020 09:11
Cuộc sống công nhân (CN) nhà trọ vốn đã khó khăn lại thêm nhiều vất vả khi có con nhỏ ở cùng. Nhất là khi có con vào lớp 1, họ lại có thêm nhiều nỗi lo khác.

Nộp hồ sơ, ngóng chờ kết quả 

Sáng 23.8, chị Lê Thị Hiền - công nhân (CN) đang làm việc tại một công ty (Cty) thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - dự định sẽ đến trường hỏi xem con thứ hai của chị đã được nhập học chưa. Tuy vậy, do dở chút việc nên chị chưa có thời gian đi. Chị nộp hồ sơ cho nhà trường từ đầu tháng 8, nhưng đến giờ vẫn chưa biết kết quả nhập học của cháu. Nhà trường cũng không hẹn chị khi nào thì sẽ cho biết kết quả. Từ đầu tháng 8 đến giờ, chị chỉ biết chờ đợi, nghe ngóng thông tin. 

“Để xin học cho cháu, mất khá nhiều thời gian, công sức của hai vợ chồng. Vợ chồng tôi đều là dân ngoại tỉnh đến nhập cư. Vì vậy, khi xin học cho cháu, chồng tôi phải nghỉ làm về quê xin giấy xác nhận hộ khẩu ở quê, rồi phải xin giấy tạm trú tại địa phương nơi trọ” - chị Hiền kể lại.  

Theo chị Hiền, trước đây, việc xin vào lớp 1 của con lớn khá đơn giản, nhanh chóng. Trường mầm non tư thục nơi cháu học chuyển danh sách trong đó có tên cháu lên lớp 1. Sau đó, cháu đi học luôn, chứ không phải làm thủ tục như cháu thứ 2. 

Cả hai vợ chồng chị Hiền đều làm CN. Cả nhà gồm vợ chồng và 2 con đang thuê trọ trong một căn phòng khá chật chội. Ở khu chị ở, không có trường cấp 1 tư thục mà chỉ có trường công lập. Chị chưa biết tình hình cụ thể, nhưng chị đoán là lớp học có lẽ sẽ khá đông học sinh. 

“Tôi khá lo lắng vì chưa biết kết quả nhập học của con thế nào. Giả sử nếu không xin được cho con vào trường thì phải gửi con về quê. Mà như vậy, vợ chồng phải xa con - điều mà tôi không muốn chút nào. Tôi quan niệm là bố mẹ ở đâu thì con cái phải ở đấy” - chị Hiền chia sẻ. 

Trong trường hợp cả hai cháu đều học trường công thì điều anh chị đau đầu nhất là đón con như thế nào. Cháu lớn đã có thể tự đi xe đạp về nhà, nhưng với cháu nhỏ, chị không thể yên tâm để cháu đi lại một mình. Vì vậy, chị dự định buổi sáng sẽ đưa cháu đi học, còn hôm nào tăng ca, hay phải đi làm thứ 7 thì sẽ phải thuê người khác đón con. 

Bên cạnh đó, chi phí cho 2 con ăn học cũng khiến anh chị khá lo lắng. Mặc dù học trường công (trong trường hợp cháu thứ 2 cũng được nhập học trường công), chị tính toán số tiền đóng nửa học kỳ cho cả 2 cháu phải hết 1 tháng lương của chị (tầm 5-6 triệu đồng). Chị cho biết, nơi chị trọ còn khá là “quê” nên chi phí cũng đỡ hơn với nơi thành thị. 

Phải thuê người đón con

Anh Chung - CN một Cty tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, Hà Nội - đang cùng vợ, con thuê trọ tại thôn Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội. Anh Chung mới có một cháu, năm nay lên lớp 1. Anh cho hay, cháu đã nhập học Trường tiểu học Võng La (trường công). Tuy vậy, anh chưa biết hàng tháng sẽ nộp bao nhiêu tiền ăn học.

“Để xin học cho cháu, tôi cần photo hộ khẩu, giấy khai sinh, tạm trú rồi nộp cho trường mẫu giáo (tư thục) nơi cháu đang học. Trường mẫu giáo sẽ nộp hồ sơ cho cháu lên lớp 1. Nhà trường hẹn tôi đến ngày 25.8 lên để làm thủ tục nhập học cho cháu. Lúc đó, tôi chỉ cần mang bản gốc các giấy tờ đã nộp để nhà trường đối chiếu thôi” - anh Chung kể. 

Không quá vất vả trong việc xin học cho con, nhưng điều anh Chung khá lo lắng là việc đưa đón con. Với đặc thù công việc làm ca, nhiều khi còn làm thêm, anh và vợ nhiều khi không thể chủ động được trong việc đón con. Vì vậy, anh đang tính đến việc phải thuê người đưa đón con.

“Nhiều người hỏi tôi là sao không gửi cháu về quê cho ông bà, nhưng ông bà còn việc đồng áng, bận rộn, khó mà trông cháu được. Hơn nữa, trường ở quê lại cách nơi ở đến 5km, ông bà có tuổi rồi, không thể đưa đón cháu được. Ngoài ra, vợ chồng tôi muốn cháu ở cùng để còn dạy dỗ, bảo ban cháu” - anh Chung tâm sự. 

Bên cạnh những cặp vợ chồng có con ở cùng thì có những cặp vợ chồng phải gửi con về quê. Anh Trần Duy Khánh đang thuê trọ một mình tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Trước đây, vợ chồng anh cùng sống tại phòng trọ. Nhưng cách đây 3 năm, khi có con, do thu nhập thấp, lại không xoay xở được người trông con, nên vợ và con anh đành phải về quê sống với ông bà nội ở Phú Thọ. Năm nay, con anh bước vào lớp 1. 

“Nếu vợ con ở trên này, cuộc sống sẽ rất khó khăn, không có ai trông con. Ở quê, việc vào lớp 1 của cháu đơn giản hơn nhiều, không phải lo lắng gì cả. Còn ở trên này, theo như tôi thấy, nếu là CN ngoại tỉnh thì khá khó xin cho con vào trường công. Hơn nữa, các lớp lại đông học sinh” - anh Khánh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn