MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một lớp học mầm non tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Gia đình công nhân lao động gặp khó vì lương thấp

Bảo Hân LDO | 12/10/2022 06:17
Trong khi lương không tăng hoặc tăng nhỏ giọt thì giá các loại dịch vụ, hàng tiêu dùng có xu hướng tăng khiến nhiều gia đình công nhân viên chức lao động ngày càng khó khăn hơn. Họ mong có mức lương xứng với công sức học tập, làm việc để ổn định cuộc sống.

Cô giáo thâm niên 17 năm, lương 7 triệu đồng/tháng

Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, chị Trần Thị Hạnh (nhân vật đã được đổi tên, trú tại Thái Bình) làm giáo viên cấp THCS trên địa bàn. Xin được việc làm đã chật vật, đồng lương sau đó mà chị Hạnh nhận được còn làm chị thêm rầu lòng.

“Sau 17 năm đứng lớp, là viên chức, trải qua 6 lần điều chỉnh hệ số, hiện tôi có hệ số lương là 3,66. Tính trên mức lương cơ sở, tôi được khoảng gần 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi còn được 30% phụ cấp đứng lớp. Như vậy, tiền lương của tôi được khoảng 7 triệu đồng/tháng” - chị Hạnh cho biết. 

Mức lương này, theo chị Hạnh, còn thấp hơn mức lương của nhiều học sinh cũ mà chị đã từng dạy (hiện đã đi làm). Nghĩ đến đó, nữ giáo viên này không khỏi chạnh lòng, nhưng “biết làm sao được vì lương của viên chức giáo viên vẫn được biết đến là thấp so với nhiều ngành khác” - chị Hạnh nói. Theo chị Hạnh, nhiều khi chị nghĩ đến công sức học hành nhiều năm, rồi công việc hiện tại khá vất vả mà thấy buồn cho mức lương hiện tại. 

Quãng thời gian chị “sợ” nhất là nghỉ hè, bởi lẽ thu nhập sẽ giảm rất nhiều. Có năm, khi nghỉ hè, chị Hạnh phải vay để trang trải cho gia đình, sau đó vào năm học mới, khi có lương thì trả. Như nhiều giáo viên khác, chị Hạnh cũng từng xoay xở để có thêm nguồn thu nhập.

“Năm trước, tôi từng đi bán hàng online để có thêm “đồng ra, đồng vào”, nhưng do ít khách hàng, nên không được tiền lãi nhiều, nên sau đó thôi” - chị Hạnh chia sẻ. 

Chồng chị Hạnh cũng làm giáo viên, tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng chỉ đủ để nuôi các con ăn học và trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

“Riêng tiền học thêm của 2 cháu khoảng 4 triệu đồng/tháng; gia đình có rất nhiều thứ phải chi, trong khi đồng lương có hạn. Tôi mong giá cả sẽ ổn định để những người chỉ sống nhờ vào đồng lương ít ỏi như gia đình chúng tôi đỡ đi phần nào chật vật, khó khăn” - chị Hạnh nói. 

Giáo viên thua lương công nhân

Không chỉ giáo viên công lập, nhiều giáo viên tư thục cũng có đồng lương thấp, mặc dù lương của những người này là theo thoả thuận của người lao động với chủ sử dụng lao động. Nhiều người sau khi đi làm 9-10 năm, mức lương vẫn thấp, thậm chí còn dưới cả thu nhập của công nhân trong khu công nghiệp. 

Chị Vân Anh - Giáo viên mầm non tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - cho biết, chị đã có 9 năm gắn bó với nghề tại một trường tư thục, nhưng hiện mức lương của chị là hơn 6 triệu đồng/tháng (sau khi trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội). 

“Lương của tôi được trả theo thoả thuận giữa tôi và chủ cơ sở trường mầm non. Thời điểm mới vào, lương của tôi chỉ được 1,5 triệu đồng/tháng, sau nhiều lần tăng lên mới được như hiện nay” - chị Vân Anh nói. Nhiều lần nữa giáo viên này nghĩ đến việc bỏ nghề, nhưng tính đi tính lại, chị không biết sẽ đi làm công việc gì cho phù hợp với lĩnh vực mình được học. Đi làm công nhân, tuy thu nhập cao hơn, nhưng sẽ rất vất vả, ít thời gian chăm sóc cho gia đình… 

Chồng chị Vân Anh làm công nhân, có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng (nếu đi làm thêm nhiều); nếu không, chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Với tổng thu nhập 16-17 triệu đồng/tháng, cả 2 vợ chồng phải tiết kiệm mới đủ để chi tiêu. Hiện vợ chồng chị đang ở nhờ nhà của bố mẹ nên không tốn một khoản tiền lớn hằng tháng để thuê nhà.

“Khoản thu nhập trên đủ để tôi trang trải cuộc sống cho gia đình, rất khó để dành dụm. Mỗi khi con ốm phải nhập viện là vợ chồng tôi lo sốt vó...” - chị Vân Anh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn