MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cháu học sinh tại toà nhà CT1A phải leo cầu thang bộ lúc khi đi và lúc về học. Ảnh: NVCC

Gia đình công nhân loay hoay đưa con đến trường

Quế Chi LDO | 16/02/2022 10:00
Khi các trường mở cửa trở lại để học sinh học trực tiếp, nhiều phụ huynh đang sống tại chung cư CT1A (khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang phải xoay xở, tìm mọi cách phù hợp nhất để đưa con đến trường an toàn, nhất là khi thang máy của toà nhà đang dừng hoạt động.

Bố mẹ bận làm, con phải tự đi học  

Gia đình anh Khôi thuê căn hộ tại tầng 15. Vợ chồng anh Khôi làm trong khu công nghiệp, có 2 người con (10 tuổi và 3 tuổi). Vợ anh Khôi làm giờ hành chính; còn anh Khôi có thời gian làm ban ngày, có khi lại làm ban đêm. Trước đây, khi các con đều ở nhà, ban ngày, dù rất mệt mỏi, anh Khôi vẫn phải trông con.

“Có những hôm vợ chồng tôi đi làm ban ngày, chỉ 2 cháu ở nhà, cháu lớn trông cháu bé. Cháu lớn học online buổi sáng, vừa học vừa trông em. Thi thoảng hàng xóm ngó qua. Chúng tôi đi làm rất lo lắng cho an toàn của con ở nhà nhưng không biết làm thế nào” - anh Khôi nói.  

Mới đây, khi nghe con lớn đi học trực tiếp ở trường, anh Khôi lại có lo lắng khác. Nếu cháu học bán trú, anh Khôi sẽ bớt băn khoăn, vì sáng, chiều anh có thể đưa đón con, nhưng cháu lại học nửa ngày vào buổi sáng.

“Buổi trưa, cháu tan học, nếu ở nhà, tôi có thể đi đón, nhưng nếu tôi bận đi làm ca thì chưa biết làm thế nào. Tôi tính có thể cháu phải tự đi bộ về nhà; hoặc phải tạm đến nhà cô giáo (trước đây trông cháu khi cháu còn học mầm non) ở gần trường tiểu học, rồi đợi tôi đi làm về đón” - anh Khôi cho hay.  

Anh Khôi nói thêm, thi thoảng hàng xóm có thể hỗ trợ nhau trong việc đưa đón các cháu, nhưng thường các cháu học trái giờ, mà các phụ huynh khác cũng rất bận công việc trong nhà xưởng.

“Còn cháu nhỏ, tôi vẫn chưa nghĩ ra cách trông nom như thế nào nếu cả 2 vợ chồng phải đi làm ban ngày” - anh Khôi nói.  

Leo cầu thang bộ đi học  

Anh Nhữ Văn Thu (công nhân thuê trọ ở tầng 12) có 2 cháu (lớp 1 và 2 tuổi). Trước đây, khi cháu lớn chưa đi học trực tiếp, các cháu ở nhà, có bà lên trông. Bây giờ, khi trường dạy trực tiếp, do thang máy hỏng, nên cháu phải tự đi bộ xuống tầng 1 rồi lên xe đưa đón của trường đi học.

Hôm đầu tiên đi học trực tiếp trở lại, vợ anh Thu phải nghỉ làm để đưa con đi học cho quen. Những ngày sau, cháu phải tự đi.  

“Các cháu học buổi chiều, phải đi từ trưa, trong khi thời điểm này, bố mẹ đều đi làm hết. Nhà tôi tuy có bà ở nhà, nhưng bà phải trông cháu bé.

Nếu có thang máy, bà có thể đưa cháu xuống, nhưng thiết bị này đang dừng hoạt động, bà không thể bế cháu nhỏ, đi bộ xuống cùng cháu lớn được” - anh Thu kể.  

Vì vậy, con anh Thu cùng với 3 cháu khác cùng tầng (học lớp 1 và lớp 2) phải tự đi cầu thang bộ, xuống tầng 1 để bắt xe của trường đi học. Khi về, các cháu cũng phải tự leo thang bộ lên - đây là lúc khó khăn nhất. Có hôm, các cháu phải nghỉ 4 lần mới lên được nhà. 

Anh Thu cho biết, anh lo lắng về an toàn của con khi không thể trực tiếp đưa con đến trường, vì dù sao, các cháu vẫn còn ít tuổi, nhưng anh hiện chưa có cách nào khác.  

Đồng cảnh ngộ với anh Thu, anh Khôi là chị Trang. Gia đình chị Trang thuê trọ tại tầng 10. Chị Trang có 2 con (12 tuổi và 6 tuổi) đều đi học trực tiếp ở trường.  

“Lúc các cháu đi bộ xuống đi học thì còn đỡ vất vả, nhưng lúc tan học, leo cầu thang rất khó khăn vì lúc đó, vừa đói vừa mệt.

“Các cháu phải leo 10 tầng thang bộ, lại phải đeo ba lô rất nặng. Vì vậy, tôi mong đơn vị quản lý toà nhà cải thiện tình trạng thang máy một cách nhanh nhất, giúp các cháu nói riêng và cư dân nói chung đỡ vất vả hơn” - chị Trang chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn