MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Văn Tâm - Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) - cho con gái ăn bữa trưa trong khi đợi vợ tan ca. Ảnh: Phương Hân

Gia đình là động lực để công nhân cố gắng mỗi ngày

Đỗ Phương - Bảo Hân LDO | 26/06/2021 08:00

Với những công nhân phải xa quê lên thành phố mưu sinh, gia đình, với họ là tất cả, là động lực để cố gắng mỗi ngày, là hy vọng vào tương lai tươi sáng... dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6, phóng viên Báo Lao Động lắng nghe những tâm sự của họ.

Gia đình là tất cả

Trưa hè tháng 6 nắng cháy da, anh Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1994, quê ở Thanh Hoá) bế cô con gái nhỏ gần 2 tuổi đi chợ mua thức ăn. Hai bố con nhễ nhại mồ hôi. Anh Tâm cười nói: “Trời nắng thế này cũng không muốn bế con đi cùng nhưng để ở phòng trọ không có ai trông giúp”.

Anh Tâm là CN Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội), cả anh và vợ đều là công nhân xa quê, lên thành phố “cày cuốc” mong kiếm chút vốn lo cho tương lai sau này.

Trong căn phòng trọ có phần chật chội của gia đình, anh Tâm loay hoay nấu cháo cho con. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vất vả hơn khi dịch bệnh xảy ra, trường học đóng cửa và không gửi được con đi lớp. Vợ chồng anh Tâm làm trái ca nhau, sáng chị đi làm thì anh ở nhà trông con. Anh Tâm đảm nhiệm việc ăn uống, ngủ nghỉ của con. Tới giờ đi làm, nếu vợ chưa về kịp, anh phải nhờ mọi người trong dãy trọ trông hộ con từ 1-2 tiếng. Theo anh Tâm, vợ chồng anh vẫn may mắn vì người trong khu trọ đều là CN, ai cũng hiểu, thông cảm và giúp đỡ nhau.

Hôm nay, tô cháo anh Tâm nấu cho con gái có đầy đủ thịt, rau. Nấu xong, anh dùng máy xay nhuyễn, chờ nguội rồi kiên nhẫn bón từng thìa cho con. Điều anh làm thật giản dị, nhưng không phải người đàn ông nào là cha cũng có thể làm được. “Bố mẹ ăn thế nào cũng được nhưng con thì khác. Mỗi ngày tôi phải thay đổi món ăn để con không bị chán mà vẫn đầy đủ chất. Hôm tôi nấu cháo thịt, tôm rồi cháo lươn... Con đang độ tuổi phát triển mà phải ở nhà trọ đã thiệt thòi rồi, nên tôi muốn dành cho con điều tốt nhất” - anh Tâm bộc bạch.

Chia sẻ thêm về công việc, anh Tâm cho hay, lúc chưa có dịch COVID-19, anh được tăng ca đều, tiền lương được tăng thêm gần 2 triệu đồng/tháng, nhưng hiện dịch bệnh phức tạp, thu nhập của anh cũng chỉ dao động 6-7 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh không được tăng ca đều đặn, tổng thu nhập cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này anh Tâm và vợ phải chắt bóp chi tiêu mới đủ lo cho gia đình nhỏ, rồi thi thoảng gửi về cho bố mẹ già ở quê.

Anh Tâm kể, mùa hè nóng nực nhưng không dám mở điều hoà, anh chỉ sử dụng khi con đi ngủ. “Tôi không dám mở lâu, khi nào con ngủ sâu tôi liền tắt ngay. Không được tăng ca nên chúng tôi phải chi tiêu tiết kiệm nhất có thể” - anh Tâm nói.

Hỏi về cảm xúc nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, anh Tâm nói: “Với tôi, gia đình là tất cả. Không chỉ gia đình nhỏ của riêng tôi, ngoài ra còn có bố mẹ. Tôi cũng sẽ làm tất cả để vun đắp cho gia đình”.

“Con sẽ cố gắng vì nhà mình”

Đối với những CN còn độc thân, gia đình trong họ là động lực để cố gắng mỗi ngày. Trường hợp của chị Lý Thị Thảo (sinh năm 2000, quê ở Nghệ An) - CN Công ty TNHH Asahi Intecc (Đông Anh, Hà Nội) là một ví dụ.

Chị Thảo có thân hình gầy guộc, lần nào chúng tôi gặp chị cũng mặc bộ quần áo thể dục quen thuộc. Học xong cấp 3, chị quyết định không thi đại học mà khăn gói xuống thủ đô làm công nhân. Về lý do không tiếp tục đi học, chị Thảo cho biết, nếu đậu đại học, gia đình sẽ không đủ điều kiện để lo cho mình ăn học.

Là chị cả trong gia đình, phía sau là hai em còn nhỏ, chị Thảo đành từ bỏ giấc mơ được đến giảng đường, rồi chọn cho mình con đường khác so với bạn bè đồng trang lứa bằng cách tự bươn chải kiếm tiền. Làm công ty gần 3 năm, ở nơi không quen biết ai, nhiều lần chị Thảo cảm thấy choáng váng vì cuộc sống không dễ dàng như tưởng tượng. “Kiếm được tiền khó lắm. Nếu không vì “choàng gánh” cho cả gia đình, tôi sẽ không trụ được ở đây” - chị Thảo nói.

Cô gái đôi mươi thấy choáng váng không sai, bởi trước đó, chị Thảo chỉ gắn bó với làng quê. Bao năm, ngoài thời gian đến lớp, chị phụ bố mẹ công việc đồng áng. Sau này, cô gái “chân ướt chân ráo” lên thành phố, gặp nhiều khó khăn, cũng dễ hiểu...

Lương của chị Thảo ở mức 7 triệu đồng/tháng, may mắn dịch không ảnh hưởng tới công việc, theo đó, đều đặn hằng tháng, chị gửi về cho gia đình gần 5 triệu đồng lo liệu chi tiêu. Chị chỉ giữ cho mình một ít để chi trả sinh hoạt phí cần thiết.

Nói về gia đình, chị Thảo bảo: “Tôi luôn nói với bố mẹ, con sẽ cố gắng vì nhà mình. Bố mẹ thương và động viên tôi nhiều. Mong ước của tôi là có thể lo cho các em học hành tử tế, san sẻ gánh nặng cùng bố mẹ. Họ là động lực cho tôi phấn đấu mỗi ngày”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn