MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo vệ rừng tuần tra ở địa bàn xã Ia Puch, huyện Chư Prông. Ảnh: Thanh Tuấn

Gia Lai đề xuất xây dựng chế độ chính sách cho người lao động giữ rừng

THANH TUẤN LDO | 29/06/2024 17:06

Gia Lai là một trong những tỉnh thành có diện tích đất rừng thuộc nhóm đầu của cả nước. Hiện các ngành chức năng của tỉnh đã kiến nghị Trung ương cần xây dựng chế độ chính sách cho lực lượng nhân viên bảo vệ rừng và nâng cao hiệu quả trồng rừng thay thế.

Nhiều người bỏ việc vì lương thấp, không có chế độ chính sách

Ngày 29.6, thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch đất lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên là 338.586ha, chiếm 13,57% tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của toàn vùng. Trong đó, riêng tỉnh Gia Lai có hơn 75.000ha.

Thời gian qua, việc người dân, nhất là người dân di cư tự do xâm lấn đất quy hoạch lâm nghiệp để trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, phá rừng làm nương rẫy... diễn ra phức tạp, khó phát hiện xử lý kịp thời.

Hiện tỉnh Gia Lai có 21 Ban Quản lý rừng phòng hộ và 1 Ban Quản lý rừng đặc dụng với gần 500 cán bộ, viên chức. Trong đó, lực lượng chuyên trách có khoảng 410 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Thế nhưng, lực lượng này lại biến động liên tục. Nhiều người bỏ việc vì không có chế độ chính sách, thu nhập quá thấp...

Cán bộ kiểm lâm khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh. Khi hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, lực lượng nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách không được hưởng chế độ này.

Hiện cũng chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đãi ngộ và chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề và các chế độ ưu đãi khác cho lực lượng bảo vệ rừng như lực lượng kiểm lâm. Do đó, chưa tạo được động lực động viên, khích lệ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách yên tâm công tác, đấu tranh với lâm tặc...

Cần có chính sách cho người lao động tham gia giữ rừng

Các cấp Công đoàn tỉnh Gia Lai đã kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, kiến nghị lên Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với người lao động làm công tác chuyên trách quản lý bảo vệ rừng trong các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý bảo vệ rừng.

Với hàng nghìn ha đất lâm nghiệp bị xâm lấn, Gia Lai sẽ tiến hành trồng lại rừng thay thế. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhân viên bảo vệ rừng là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Họ làm việc đặc thù ở địa bàn rừng núi khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, không kể ngày đêm để bảo vệ rừng. Thế nhưng, hiện nay, chưa có chế độ chính sách đãi ngộ đối với lực lượng này.

Ngoài ra, để tăng độ che phủ và bảo vệ được màu xanh của rừng, ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Tỉnh đang phát động phong trào trồng cây gây rừng tại các khu vực đất quy hoạch lâm nghiệp. Thống kê, rà soát lại diện tích đất bị xâm chiếm để tiến hành trồng cây rừng nhằm tăng độ che phủ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc”.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kể từ năm 2021, thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng được phê duyệt thì kinh phí hỗ trợ chỉ còn 2.500.000 đồng/ha/chu kì. Mức hỗ trợ trồng rừng thấp, trong khi chu kỳ trồng rừng kinh doanh kéo dài từ 7-10 năm. Do đó, người dân không có vốn để đầu tư, họ phải lo cuộc sống hiện tại nên chủ yếu trồng cây ngắn ngày để thu hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ ngành Trung ương, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời để tạo động lực cho người dân nhiệt tình trồng rừng, đặc biệt là các hộ dân di cư thiếu đất sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn