MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm. Ảnh: Chụp màn hình

Giả mạo hồ sơ, mua bán sổ bảo hiểm xã hội, lao động mất chỗ dựa khi về già

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/06/2023 07:20

Ngoài tình trạng nhiều đối tượng mạo danh bảo hiểm xã hội lừa đảo người lao động thì hiện nay, hiện tượng công nhân, viên chức, giáo viên mầm non mượn hồ sơ lí lịch trong quá trình làm việc cũng xảy ra.

Người lao động “nhẹ dạ, cả tin”

Mới đây, BHXH Việt Nam tiếp nhận phản ánh của anh N.T.T (Hiệp Thành, Quận 12, TPHCM) về việc bị đối tượng mạo danh là nhân viên BHXH lừa đảo chuyển tiền để được giảm trùng BHXH, cắt giảm quá trình đóng trùng và hủy bỏ sổ BHXH trên mạng xã hội.

Anh T đã cho em trai mượn hồ sơ nhân thân của mình để đóng BHXH. Ngày 1.6, khi có nhu cầu gộp sổ BHXH, cắt giảm quá trình đóng trùng BHXH, anh T truy cập mạng xã hội Facebook và gửi tin nhắn với tài khoản có tên Phạm Ngọc Anh (hiện đối tượng này đã khóa tài khoản).

Phạm Ngọc Anh mạo danh là nhân viên BHXH hỗ trợ tạo nộp và giải quyết các loại hồ sơ bảo hiểm. Hứa sẽ giải quyết được hồ sơ của anh T, tài khoản Facebook Phạm Ngọc Anh yêu cầu anh nộp phí giảm trùng BHXH với số tiền là 900.000 đồng và cung cấp thông tin cá nhân để làm hồ sơ.

Sau khi anh T cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân và sổ BHXH, thì đối tượng trên có gửi cho anh T hình ảnh tiếp nhận hồ sơ.

Sau khi kiểm tra hồ sơ, anh T đã chuyển 900.000 đồng vào tài khoản TRAN NGOC HA (STK 3912556559- Ngân hàng MBBANK); nội dung chuyển tiền ghi: “PHI DV BHXH”.

Ngày 14.6, đối tượng này tiếp tục yêu cầu anh T nộp thêm 2 triệu đồng với lí do đây là phí thanh tra hồ sơ để hoàn tất thủ tục. Một ngày sau, nhắn tin hỏi kết quả, thì đối tượng đã khóa tài khoản và khi nhắn tin lên Fanpage của ngành BHXH Việt Nam, anh T mới biết mình đã bị lừa.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của anh T, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn anh T liên hệ đến cơ quan BHXH tại địa phương để được hỗ trợ; đồng thời giải thích cho anh T biết hiện nay tất cả các dịch vụ mà BHXH Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí.

Dưới góc độ pháp lí, Luật sư Bùi Xuân Lai - Hệ thống dịch vụ pháp lí Luật sư X (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, sổ BHXH không phải là một loại tài sản. Do đó những giao dịch dân sự liên quan đến việc mua, bán cầm cố sổ BHXH trên mạng xã hội là không hợp pháp.

Trong trường hợp người lao động thực hiện hành vi mua bán sổ BHXH thì sẽ bị coi là hành vi kê khai hồ sơ không đúng sự thật.

Ngoài xử phạt hành chính, hành vi này còn thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, người nào có hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH hoặc dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH mà chiếm đoạt tiền BHXH sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Khung hình phạt nặng nhất có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu chiếm đoạt tiền BHXH từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng.

“Việc mua bán sổ BHXH trên mạng xã hội là một hành vi vi phạm pháp luật và còn có thể bị xử lí hình sự ở mức nặng. Do đó, người dân cần phải hết sức lưu ý và tránh thực hiện các hành vi này” - luật sư Lai nhấn mạnh.

Có hiện tượng giáo viên mầm non giả mạo hồ sơ

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do không đáp ứng được điều kiện tuyển dụng của người sử dụng lao động như tuổi đời, bằng cấp chuyên môn, địa bàn nơi cư trú… nên người lao động giả mạo hồ sơ.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn hướng dẫn đối với trường hợp người lao động mượn hồ sơ tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan BHXH vẫn gặp nhiều vướng mắc khi xử lí các tình huống phát sinh trong thực tiễn, chưa có hướng giải quyết đối với các trường hợp đã hưởng chế độ BHXH.

Hiện nay, cơ quan BHXH chưa thể thống kê chính xác số liệu thực tế các trường hợp mượn hồ sơ tư pháp mà chưa phát sinh vướng mắc, khiếu kiện giữa người mượn và người cho mượn hoặc qua rà soát đồng bộ tổng thể dữ liệu người tham gia BHXH với dữ liệu dân cư của Bộ Công an.

Qua báo cáo sơ bộ của BHXH các tỉnh, thành phố, ước tính đến hết ngày 31.12.2022 có 214 trường hợp mượn hồ sơ tư pháp chưa điều chỉnh thông tin nhân thân.

Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - cho biết, có hiện tượng mượn hồ sơ tư pháp khi giao kết hợp đồng lao động. Nhiều trường hợp có sự câu kết giữa người sử dụng lao động và lao động khi người lao động chưa đủ điều kiện tuyển dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn