MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều kiến nghị của công nhân liên quan đến bình ổn giá cả thị trường.

Giá nhu yếu phẩm tăng, lương công nhân khó có thể đảm bảo cuộc sống

Minh Hương LDO | 25/05/2022 18:33
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã ký văn bản số 4130/TLĐ-TG về việc tổng hợp kiến nghị của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước tại Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động được dự kiến tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều kiến nghị của công nhân đều mong muốn các cơ quan chức năng  có biện pháp bình ổn giá thị trường.

Theo chị Nguyễn Thị Như (23 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội) – công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) - giá các mặt hàng sinh hoạt hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. Việc sử dụng tiền lương cũng để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống. Lương tăng được vài trăm nghìn đồng trong khi giá xăng, giá rau, giá mặt hàng khác leo thang thì cũng không thể bù đắp cho khoản chi tiêu.

Do vậy, chị Như mong, giá cả không bị lạm phát, nhà nước, chính phủ có những chính sách bình ổn được giá cả thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê - tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý là: Giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.650 đồng một lít. Còn giá xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng mỗi lít.

 Công nhân trong những ngày bão giá thực phẩm, họ phải dè sẻn từng mớ rau trong mâm cơm hằng ngày.

3 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, hiện chị Như nhận mức lương cơ bản 5,4 triệu đồng/tháng, cộng thêm 600.000 đồng phụ cấp gồm xăng xe, chuyên cần, đi lại. Nếu được tăng ca 3-4 ngày/tuần, thu nhập của chị ở mức gần 8 triệu đồng/tháng.

Từ khi xăng tăng, mỗi lần muốn đổ đầy bình, chị Như phải chi thêm 70.000 đồng. “70.000 đồng tính ra bằng bữa ăn cả ngày của tôi rồi” – nữ công nhân nói và cho biết thêm, giá rau cũng nhích từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; dầu gội đầu, sữa tắm, dầu ăn… các mặt hàng nhu yếu khác cũng tăng thêm vài nghìn đồng.

Chị Như liệt kê các khoản chi tiêu cố định mỗi tháng: tiền thuê trọ 800.000 đồng; thức ăn 2,5 triệu đồng; 300.000 đồng xăng xe; gửi về gia đình 2 triệu đồng…

“Nếu không làm thêm giờ, số tiền tôi kiếm được sẽ chẳng đủ trang trải cuộc sống. Tôi mong giá cả được giữ bình ổn, có như vậy, lương công nhân mới đảm bảo cuộc sống” – chị Như nói.

Kể từ thời điểm giá rau tăng, để tiết kiệm chi phí, bữa cơm của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh – công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long phải bớt đi rau và thịt.

“Có lúc giá rau lên đến 15.000 đồng/bó, tôi phải chia thành 3 bữa ăn. Bắp cải 25.000 đồng, tôi cũng phải chia làm 4. Giá thực phẩm lên cao, mâm cơm bao giờ trông cũng “hẻo”, tôi và chồng ăn qua loa, còn nhường cho các con thịt, cá” – chị Oanh kể.

Còn khi giá xăng cao, thay vì đi chợ bằng xe máy, chị chọn cách đi bộ để tiết kiệm xăng. Chị Oanh nói, cứ mỗi thứ tăng giá một chút, gộp lại là thành cả “rổ”. Nếu không dè dặt, lương công nhân của chị sẽ khó sống.

Vì đang trong chế độ nuôi con nhỏ, chỉ làm giờ hành chính nên lương của chị chỉ 5,3 triệu đồng/tháng. Còn chồng chị, vừa từ quê xuống xin làm công ty nên thu nhập cũng chỉ ở mức 7 triệu đồng/tháng.

Trong căn phòng chật chội mà gia đình 4 người thuê ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), chị Oanh nói, nhà chị nghèo nhất khu này. Ở thành phố mọi thứ đều đắt đỏ, nữ công nhân hi vọng giá nhu yếu phẩm không chênh quá cao so với thu nhập của người lao động.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): CPI là thước đo của lạm phát. Khi CPI tăng, phản ánh giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt, người có thu nhập thấp. Mức tăng càng cao, đời sống người lao động càng khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn