MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá rau tăng 2-3 lần, mâm cơm của công nhân ít cả màu xanh

Phương Hân LDO | 23/12/2022 12:45
Hà Nội - Thời điểm này, giá rau tăng gấp 2-3 khiến đời sống công nhân thêm khó khăn. Thậm chí, mỗi bó rau được chia làm 2 bữa ăn, mâm cơm càng "hẻo" hơn...

Chị Nguyễn Thị Hạnh (thuê trọ tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) phản ánh, khoảng 2-3 tuần trở lại đây, khi trời trở rét, giá rau xanh cũng tăng vọt.

Theo chị, rau cải ngọt có giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, nay đã tăng lên mức 34.000-40.000 đồng/kg; rau cải cúc tăng lên mức 15.000 đồng/mớ, trong khi trước đây chỉ 5.000 đồng/mớ.

Giá rau tăng, cứ 2-3 ngày chị Hạnh phải nhờ mẹ ở huyện Mê Linh (Hà Nội) – cách nơi trọ không xa - gửi rau lên. Nếu không, mỗi ngày chị phải chi khoảng 25.000-30.000 đồng cho riêng tiền rau. 

Dù tiền mua rau chỉ chiếm một phần trong chi phí hàng ngày của gia đình, nhưng đối với công nhân đang trong thời gian khó khăn, phải giảm việc, thu nhập thấp như chị Hạnh, phát sinh thêm một phần chi phí nào là thêm gánh nặng. 

Rau xanh tăng giá khiến công nhân phải tính toán chi li hơn khi lo bữa cơm cho gia đình. Ảnh: Bảo Hân. 

Trọ gần chị Hạnh, chị Nguyễn Thị Thơm (công nhân thuê trọ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cũng khá lo lắng khi giá rau gần đây tăng cao. "Mồng tơi, rau muống vốn có giá khoảng 5.000 đồng/mớ; bây giờ là 10.000 đồng/mớ. Một cây súp lơ bé đã 15.000 đồng, trong khi mấy tuần trước một cây súp lơ lớn có giá 15.000 đồng" - chị Thơm nói.

Theo nữ công nhân này, giá rau tăng ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu của cả gia đình. Khi rau chưa tăng giá, một ngày chị phải chi khoảng 20.000-30.000 đồng tiền rau, nhưng hiện nay, con số này phải lên mức 50.000 đồng. 

Để “đối phó” với giá rau tăng, người mẹ 3 con này quyết định mua ít rau so với trước. “Rau xanh rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày nên tôi vẫn duy trì thực phẩm này cho các con như trước đây; còn bố mẹ thì ăn ít rau đi, hoặc tìm thực phẩm khác thay thế. Ngoài rau xanh, tôi vẫn phải thường xuyên mua hoa quả để bổ sung dinh dưỡng cho các con” – chị Thơm cho hay. 

Một giải pháp khác mà chị Thơm áp dụng là chia nhỏ mớ rau để nấu canh. Ví dụ, trước đây, một mớ mồng tơi chỉ dùng để nấu canh một bữa thì bây giờ, chị chia thành 2 bữa.

Mỗi ngày, “gói kinh phí” mua thực phẩm cho cả gia đình gồm 5 thành viên rơi vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Như nhiều công nhân khác, vợ chồng chị đang gặp rất nhiều khó khăn do công ty thiếu đơn hàng. Hiện tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng chị Thơm là 15 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, mỗi đồng chi tiêu chị Thơm cũng phải tính toán, cân nhắc chi li…  

Giá rau được ghi nhận đắt hơn 2-3 lần khiến mâm cơm của công nhân càng "hẻo" hơn. Ảnh: Minh Hương.

Trong mâm cơm tối của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội) chỉ có 2 món: cá kho nấu từ tối hôm trước và rau mồng tơi.

Chị Loan cho biết, hơn 1 tuần nay, cả gia đình 4 người phải chia 1 bó rau thành 2 bữa. Bó rau không chỉ đắt hơn mà còn ít hơn so với trước. Với chị, rau vốn là thực phẩm ít tiền, có thể ăn thoải mái, nhưng bây giờ cũng phải đong đếm.

"Từ ngày rau đắt, tôi không luộc rau nữa mà chuyển sang nấu canh để cảm giác có nhiều rau hơn. Gần Tết sắp được về quê rồi, lúc đó tha hồ ăn rau nhà trồng" - nữ công nhân nói.

Cuối năm, công ty ít đơn hàng, vợ chồng chị Loan không còn được tăng ca, chỉ làm giờ hành chính. Từ thu nhập 18 triệu đồng/tháng, nay vợ chồng chị Loan chỉ được nhận 13 triệu đồng.

Sốt ruột khi công ty ít việc lại chưa có thông báo thưởng Tết, chị Loan chỉ còn cách dè sẻn từng chút một. Nếu không làm như vậy, "tiền đâu mà tiêu Tết" - chị Loan nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn