MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một công trình xây dựng tại An Giang xảy ra tai nạn lao động. Ảnh: Cẩm Tú

Gia tăng tai nạn từ sự chủ quan của người lao động

CẨM TÚ LDO | 01/05/2020 17:03
Tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng gia tăng. Đáng chú ý là số vụ TNLĐ chết người tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là vấn đề bức thiết đặt ra với các ngành chức năng, trong đó có tổ chức Công đoàn tỉnh An Giang.

Cụ thể, năm 2019, địa bàn tỉnh đã ghi nhận 71 vụ TNLĐ, trong đó có 13 vụ nghiêm trọng làm 15 người chết và 2 người bị thương nặng. So với năm 2018, số vụ tai nạn chết người tăng gấp 3 lần, trong đó có 5 vụ xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, 3 vụ trong lĩnh vực sản xuất và nuôi trồng thủy sản.

Điển hình như trường hợp của nạn nhân U.V.D - lao động tự do làm việc tại công trình nhà nuôi yến ở xã An Cư, huyện Tịnh Biên. Trong lúc vận chuyển sắt từ mặt đất lên tầng 2, khi đang thao tác trên sàn, U.V.D trượt chân rơi xuống mặt đất ở độ cao khoảng 6,5m và tử vong trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu do chủ sử dụng không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cho công nhân làm việc trên cao, nơi cheo leo.

Hoặc như trường hợp của nạn nhân N.V.G - lao động tự do làm việc trong công trình xây nhà ở tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành. Trong lúc cầm tay quay cối trộn bêtông, bất ngờ nạn nhân bị điện giật. Nguyên nhân ban đầu do chủ thầu không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, không kiểm tra trước khi sử dụng các thiết bị điện và người lao động (NLĐ) không sử dụng phương tiện bảo hộ...

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú cho biết, qua các vụ điều tra TNLĐ, rất nhiều trường hợp chủ sử dụng lao động lại đổ lỗi do NLĐ bất cẩn, không tuân thủ các biện pháp an toàn… Chỉ vài trường hợp chủ sử dụng lao động nhận trách nhiệm về mình.

Theo đánh giá của đoàn điều tra TNLĐ tỉnh, đối với những nơi xảy ra TNLĐ, hầu hết chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Việc thuê mướn công nhân (CN) mang tính tự phát nên hầu hết CN chưa được tập huấn các biện pháp ATVSLĐ... Một số nơi có tổ chức công đoàn (CĐ) thì việc bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ, công tác y tế chưa đúng tiêu chuẩn theo quy định. Đa số cán bộ làm công tác ATVSLĐ đều kiêm nhiệm nên bị chi phối nhiều bởi công việc chuyên môn, công tác huấn luyện định kỳ về an toàn lao động chưa thực hiện đầy đủ.

Theo LĐLĐ tỉnh An Giang, do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm nay LĐLĐ tỉnh không thể phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về ATVSLĐ. Do vậy, ngoài việc triển khai hướng dẫn “Tháng Hành động về ATVSLĐ” đến các cấp CĐ, LĐLĐ tỉnh đề nghị các cấp CĐ cần tăng cường phối hợp các ngành chuyên môn tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ; tích cực phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động NLĐ trong doanh nghiệp; phát động các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho đơn vị, đồng thời bảo vệ tốt sức khỏe cho NLĐ.

Để bảo vệ được NLĐ khi gặp TNLĐ, đồng chí Nguyễn Thiện Phú còn cho biết thêm, LĐLĐ tỉnh sẽ quan tâm cử cán bộ lãnh đạo tích cực tham gia đoàn điều tra TNLĐ tỉnh để tìm hiểu rõ các nguyên nhân xảy ra TNLĐ, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Ngoài việc cử cán bộ lãnh đạo đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ kịp thời những khó khăn mất mát mà NLĐ đã gánh chịu, LĐLĐ tỉnh cũng sẽ quan tâm tổ chức tập huấn, tuyên truyền công tác ATVSLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn