MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do giá thực phẩm tăng, công nhân khu công nghiệp đang phải chi tiêu cầm chừng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Giá thực phẩm tăng, công nhân chi tiêu cầm chừng

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 07/06/2018 06:15
Khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều công nhân (CN) đang làm việc tại các KCN-KCX than vãn: Lương không tăng, áp lực công việc ngày càng cao, trong khi đó giá xăng dầu tăng, thực phẩm tăng, nhiệt độ tăng khiến đời sống thêm phần khốn khó. Nhiều gia đình đã phải tìm các biện pháp thắt chặt chi tiêu, gửi con về quê nhờ ông bà chăm giúp, xin “viện trợ” của gia đình.

Đành phải xa con

Là người thường xuyên đi chợ nên chị Nguyễn Thị Thắm (CN Cty Nissei, đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) thấy rất rõ thời gian gần đây giá các mặt hàng thực phẩm đã tăng lên đáng kể so với cách đây một vài tháng. Chị Thắm chia sẻ, thời gian trước, giá một mớ rau muống, mồng tơi mua tại chợ trong làng là 3.000 đồng thì bây giờ đã tăng lên 5.000 đồng. Giá thịt, cá cũng nhích lên, ví dụ trước đây có loại cá 90.000 đồng/kg thì giờ tăng thêm 10.000 đồng/kg.

“Mọi thứ đều có xu hướng tăng giá khiến cuộc sống vợ chồng CN như bọn em ngày càng khó khăn. Tính ra, một tháng cả 2 vợ chồng tiêu tốn hết 2 triệu đồng tiền ăn, tăng khoảng 200.000 - 400.000 đồng so với trước đây.

Đấy là chưa kể tiền thuê nhà hơn 1 triệu đồng/tháng; tiền điện nước hơn 800.000 đồng/tháng. Trong khi đó, dạo này ít tăng ca, thu nhập của cả hai chỉ khoảng 7-8 triệu đồng. Vì vậy, cố gắng tiết kiệm lắm thì thu nhập của cả hai cũng chỉ đủ để chi tiêu, không dành dụm được đồng nào” - chị Thắm chia sẻ. Cũng vì thu nhập thấp, anh chị phải gửi con hơn 5 tuổi về quê để ông bà chăm sóc, chấp nhận xa con.

Do chồng mất sớm, để lại 3 con nhỏ, nên hoàn cảnh của chị Đặng Thị Thủy (SN 1987, làm việc tại Cty TNHH điện tử Asti, KCN Quang Minh, Hà Nội) rất khốn khó. Với mức thu nhập hiện nay chỉ khoảng trên dưới 6 triệu đồng/tháng nên 4 mẹ con chị Thủy sống rất tằn tiện do nhiều khoản chi. Về vấn đề thực phẩm, chị Thủy cho biết, trước khi nghỉ hè các cháu ăn bữa sáng, trưa ở trường, về nhà dùng bữa tối cùng mẹ.

Nghỉ hè, 3 anh em tự trông nhau, thỉnh thoảng có bà nội hỗ trợ. Chiều tối hằng ngày, sau khi tan ca, chị tranh thủ đi chợ trong làng để nấu ăn cho các con bữa tối và để dành 3 suất để các con ăn bữa trưa. Mỗi lần đi chợ, chị Thủy chỉ dám chi tiêu từ 80.000-100.000 đồng.

“Đi chợ, rất nhiều mặt hàng tăng giá, trong đó thịt lợn tăng rõ rệt từ 80.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; trứng gà từ 3.200 đồng/quả lên 3.600 đồng/quả. Do giá tăng nên tôi thắt chặt chi tiêu, lượng mua ít hơn trước, giảm phần ăn của mình để dành phần cho con, còn mình thì coi bữa trưa ở Cty là bữa chính. Nếu không giảm chi thì những lúc con ốm, mẹ đau không biết lấy tiền đâu ra để khám bác sĩ, mua thuốc chữa bệnh” - chị Thủy ngậm ngùi. Được biết, do hoàn cảnh của chị Thủy là đặc biệt khó khăn nên các cấp công đoàn (CĐ) thủ đô đã hỗ trợ bốn mẹ con chị “Mái ấm CĐ”.

Theo ghi nhận của PV tại chợ Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM), một số mặt hàng như thịt heo, rau xanh có tăng giá. Chị Mỹ, làm việc tại một xưởng may mặc gần chợ Thạnh Xuân, cho biết: “Gần cả tháng nay, tôi thấy thịt heo và rau xanh tăng rõ ràng hơn so với các loại thực phẩm khác. Ngày trước nếu mua tim heo 55.000-60.000 đồng/quả thì giờ lên 65.000 đồng là thấp nhất. Rau xanh cũng tăng và không dám mua những loại rau đắt tiền như bông cải, ớt chuông nữa”.

Theo chị Mỹ, để chi tiêu gia đình không bị thâm hụt, chị thay đổi thói quen đi chợ, lượng cá thịt mua giảm lại hoặc lựa chọn các sản phẩm thay thế.

“Giá có tăng đôi chút, đặc biệt là thịt heo. Còn mấy loại khác như thịt bò, cá thu, cá ngừ, tôi ít mua nên không rành lắm vì làm gì có tiền mà mua. Lâu lâu mua 1 lạng về nấu cháo cho con thì có tăng cũng không thành vấn đề. Nếu tiền chợ tăng nhiều quá thì tôi phải thay đổi việc mua sắm, hoặc kiếm việc làm thêm. Mình có thể gắng sức để làm thêm chứ làm sao bớt bữa cơm của con được” - chị Hòa (làm việc tại Cụm công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) chia sẻ.

Theo chị Hòa, chỉ cần mỗi món ở chợ tăng 1.000-2.000 đồng so với trước cũng là cả một vấn đề bởi 1.000 đồng tưởng ít nhưng góp lại, nhiều món cộng dồn cũng là một số tiền khá lớn rồi.

Không tích lũy

Theo chị Khổng Thị Loan - CN Cty TNHH Asti Hà Nội (hiện trọ ở khu Gia Lạc, tổ 3 Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) - thì hiện nay CNLĐ đang gặp nhiều khó khăn vì giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng.

Chị Loan dẫn chứng, giá thuê phòng trọ hiện nay từ 700.000 - 1.200.000 đồng tùy phòng, nếu so với mấy tháng trước đó thì giá tiền phòng trọ tăng lên 100.000 đồng/tháng; về tiền điện, có thể do sinh hoạt gia đình sử dụng nhiều hơn nên mỗi tháng gia đình phải trả khoảng 600.000 đồng, trước đó là khoảng 500.000 đồng; tiền nước (nhà trọ dùng nước giếng khoan) cũng tăng từ 25.000 đồng/tháng lên 30.000 đồng/tháng.

Trước đây, thịt ba chỉ giá 60.000 - 65.000 đồng/kg thì nay lên 80.000 đồng/kg, một mớ rau mồng tơi từ 3.000 đồng mấy tháng trước bây giờ đã lên 5.000 đồng. “Tổng thu nhập của tôi và chồng tôi (cùng làm ở trong KCN Quang Minh) khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, vừa phải thuê nhà trọ, trả tiền điện, nước, mua sữa, nộp tiền học cho hai con nhỏ nên chi tiêu ăn uống, sinh hoạt phải dè dặt mới tạm đủ. Không có tích lũy” - chị Loan cho biết.

Là CN KCN, phải thuê trọ nên cuộc sống của vợ chồng chị Đinh Thị Thanh Tuyền (Cty sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy Việt Nhật, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cũng không dư dả. Chị Tuyền cho biết, gần đây các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng liên tục tăng giá, trong khi lương không tăng nên hai vợ chồng phải chi tiêu dè sẻn.

“Do ở trọ không có đất trồng thêm rau xanh, nên thỉnh thoảng chồng tôi lại về quê để lấy “viện trợ” từ ông bà là rau xanh, gạo, mặc dù không nhiều giá trị, nhưng cũng đỡ phần nào, giúp gia đình trước “cơn bão giá” - chị Tuyền tâm sự.

Trước phản ánh của CNLĐ về giá cả điện, nước, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, bà Trần Thu Phương - Phó Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - cho biết, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.Hà Nội với các đại biểu dự Đại hội XVI CĐ TP.Hà Nội và CNLĐ, CĐ cũng đã kiến nghị không tăng giá điện, nước ở các nhà trọ CN thuê. Và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ghi nhận ý kiến, kiến nghị và giao Sở Công Thương, các quận, huyện kiểm tra, quán triệt các chủ nhà trọ không được tăng giá.

“Theo tôi, các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn quanh các KCN, các chủ hàng ở các chợ đầu mối không được tự ý tăng giá các nhu yếu phẩm liên quan mật thiết đến đời sống NLĐ. Điều quan trọng nữa là Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá cả” - bà Phương có ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn