MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu tăng rất mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 11.3. Ảnh: Phan Tuấn Anh

Giá xăng tăng vọt và sự “vận hành ngược” có trách nhiệm của Bộ Công Thương

Cường Ngô LDO | 12/03/2022 06:30

Việc giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá giảm 2% thuế VAT. Đà tăng của giá xăng dầu cũng thể hiện sự yếu kém trong điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Quỹ Bình ổn giảm sâu, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường chưa được thông qua. Vậy, còn cách nào để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu trong thời gian tới?

Giá xăng tăng mạnh có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá

Đúng như dự đoán, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu chiều 11.3, giá xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng, RON 95 tăng 2.990 đồng và dầu tăng 2.520-3.950 đồng một lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 là 28.980 đồng một lít; RON 95 là 29.820 đồng. Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12.2021 đến nay.

Việc giá xăng dầu tăng như "vũ bão", nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

"Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế", ông Lâm nói.

Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - nói với Lao Động, giống như ngành điện, quản lý xăng dầu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo đủ nguồn cung, không để thị trường thiếu hụt và kiềm chế sự tăng giá chóng mặt của xăng dầu.

"Thị trường xăng dầu được quản lý, điều hành theo Nghị định riêng, nên việc có hiện tượng bất thường trên thị trường, thiếu xăng cục bộ, một số cửa hàng phải đóng cửa, xăng tăng giá quá mạnh là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, mà ở đây là Bộ Công Thương", ông Ánh nói.

Đúng là xăng dầu được quản lý theo Nghị định riêng, mà cụ thể ở đây là Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước yêu cầu sửa đổi Nghị định 95.

Đáng chú ý, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2.1.2022, đến nay, Nghị định này mới chỉ được hơn 2 tháng áp dụng trong thực tiễn đã phải sửa đổi. Thậm chí, trước khi được ban hành, dự thảo của Nghị định này đã 5 lần phải sửa đổi, hàm lượng sửa đổi, bổ sung rất lớn với 22/43 điều...

"Vận hành ngược"

Xăng dầu "nóng" không chỉ về giá, về nguồn cung mà còn về chiết khấu hoa hồng. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "kêu" đang lỗ hàng nghìn tỉ đồng vì chiết khấu hoa hồng về 0, nhưng vẫn phải hoạt động để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường.

"Trong công thức tính giá cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện được hưởng chi phí và lợi nhuận định mức là 1.300 đồng/lít. Tuy nhiên giá cơ sở, bao gồm giá xăng thành phẩm thế giới, thuế, phí... đã vượt giá bán lẻ trong nước khoảng 3.800 - 4.000 đồng/lít, còn dầu gần 5.000 đồng/lít, chưa kể vẫn phải trích hoa hồng cho các đại lý", một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội cho hay.

Cũng theo vị này, hiện mỗi tàu xăng dầu nhập về, họ đã lỗ 30-40 tỉ đồng, chưa kể chi phí vận hành công ty và nhiều rủi ro khác. Trong khi đó, ngân hàng cấp hạn mức khiến việc nhập hàng khó khăn. Mặt khác, còn phải chi trả hoa hồng cho đại lý để giữ hệ thống khi rất nhiều đại lý cho biết khó có thể cầm cự khi lỗ chồng lỗ.

"Chúng tôi bỏ vốn ra để "vận hành ngược", còn phải chịu quy tắc về đảm bảo nguồn cung, trong khi sản lượng nhập bị hạn chế, chỉ được 10m3, tấn mỗi lần, thay vì 25m3, tấn như trước đây. Hiện giá dầu vẫn tiếp tục tăng, dự báo có thể lên mức 200 USD/thùng, trong khi việc có điều hành giá xăng dầu linh hoạt hay đúng theo kỳ điều hành hiện vẫn phải chờ đợi", vị này cho hay.

Phân tích về nguyên nhân gây nên tình trạng trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho Lao Động hay, không phải do lỗi kinh doanh kém cỏi của doanh nghiệp mà là lỗi của cơ chế. Đó là một "nút thắt" mà doanh nghiệp không thể tự cởi. Do đó, cần cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng theo cơ chế thị trường.

"Có nghĩa là phải thực hiện đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, trong đó có các phương thức kinh doanh trong thị trường phái sinh”, ông Thỏa nói và cho rằng, cần xóa bỏ việc định giá theo chu kỳ, để doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu của thị trường.

Không đạt được mục tiêu phục hồi, nếu không kiềm chế giá xăng

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICC) - cho biết, với đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, nếu không có giải pháp kiềm chế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, có thể các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa ban hành sẽ không đạt được mục tiêu.

Ông đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc trình thêm phương án giảm mạnh Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), chẳng hạn giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Bởi thời điểm này, nền kinh tế đang ở giai đoạn hồi phục, cho bên rất cần sự trợ lực rất nhiều từ Nhà nước.

Việc giá xăng dầu tăng thì nguồn ngân sách nhà nước cũng được hưởng lợi từ thu dầu thô xuất khẩu tăng và thu từ các khoản thuế phí đánh trên xăng dầu cũng tăng. Vì vậy, Nhà nước cần có sự chia sẻ nhiều hơn nữa khi giảm Thuế BVMT với xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp", ông Tuấn nói.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn