MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải bài toán chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động

Hoài Luân LDO | 28/08/2023 11:53

Chiều 29.8, chương trình tọa đàm với chủ đề "Làm thế nào để nâng cao đời sống tinh thần, văn hoá cho công nhân lao động?" diễn ra tại Trường quay của Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Trong những năm qua, bên cạnh việc cải thiện mức thu nhập cho công nhân lao động, việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cấp công đoàn.

Công nhân lao động tại KCN Thăng Long tằn tiện chi tiêu để trang trải cuộc sống. Ảnh: Hoài Luân

Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thế nhưng đời sống vật chất của người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Với họ, cuộc sống mỗi ngày là một vòng lặp giữa nhà máy - nhà trọ và ngược lại. Nhiều công nhân lao động vẫn chưa có điều kiện để tham gia những buổi sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa sau ngày dài làm việc mệt mỏi.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng… Những con số trên cho thấy rằng, người lao động vẫn rất cần sự quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần.

Chị Hà Thị Liên (36 tuổi, trú Tuyên Quang, công nhân lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam) dành thời gian cho con sau một ngày làm việc vất vả. Ảnh: Hoài Luân

Ngoài ra, việc chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động sẽ giúp họ càng thêm gắn bó với doanh nghiệp, tái tạo sức lao động và tăng cường khả năng sáng tạo, góp thêm sức cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao Động TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có 3 khu công nghiệp là Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của công nhân lao động.

Do vậy, phần đông công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ tại các khu dân cư để sinh sống. Trong đó, có nhiều khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Theo ghi nhận của Lao Động, nhiều công nhân lao động tại các khu công nghiệp ở Hà Nội vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Với họ, thời gian dành cho việc giải trí sau một ngày làm việc mệt nhọc hầu như là bên chiếc điện thoại di dộng. Nhiều công nhân lao động cũng trăn trở vì chí phí để trang trải cuộc sống trong gia đình còn chật vật, phải tằn tiện từng đồng thì sao dám nghĩ đến việc tham gia các hoạt động giải trí, văn nghệ cùng anh em công nhân trong công ty.

Chị Trịnh Thị Quỳnh (30 tuổi, Nghệ An, công nhân lao động Công ty TNHH Denso Việt Nam) chia sẻ, bước qua tuổi đôi mươi, chị cùng chồng rời quê ra Hà Nội lập nghiệp. Với hơn 9 năm lao động tại công ty, mức lương hiện tại của chị Quỳnh là 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19, thu nhập của chị và chồng giảm đi nhiều vì không được tăng ca.

"Bây giờ vẫn làm 12 tiếng/ngày nhưng không được hưởng lương tăng ca, số giờ làm việc dư ra trong 1 ngày sẽ được tính vào các ngày nghỉ bù, nên thu nhập mỗi tháng chỉ là phần lương cơ bản.

Vợ chồng tôi sinh được 2 cháu trai, đứa nhỏ lớp 2, đứa lớn lớp 5, đều đang học tại Hà Nội. Với mức thu nhập của 2 vợ chồng hiện nay khoảng 15 triệu đồng/tháng, chỉ đủ đóng học phí, nhà trọ, chi tiêu trong gia đình. Tháng nào được tăng ca thì mới dư ra được 2 - 3 triệu đồng.

Cuộc sống vật chất bây giờ còn chưa ổn định, chỗ ở tạm bợ thì vợ chồng tôi làm gì dám nghĩ tới việc tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ của công ty. Có giải trí thì vợ chồng cũng chỉ lên mạng xã hội, xem các chương trình trên điện thoại một lúc, sau đó thì nghỉ ngơi để hôm sau còn đi làm", chị Quỳnh trải lòng.

Vợ chồng chị Quỳnh tiết kiệm chi phí sinh hoạt để sắm sửa đồ dùng học tập cho con. Ảnh Hoài Luân

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, internet như hiện nay, nhiều công nhân lao động dễ dàng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng, vay "tín dụng đen" vì chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng chắt lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội.

Để hiểu hơn về thực trạng, nguyên nhân và giải bài toán chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, Báo Lao Động tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Làm thế nào để nâng cao đời sống tinh thần, văn hoá cho công nhân lao động?". Chương trình tọa đàm sẽ được tường thuật trên Báo Lao Động điện tử laodong.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn