MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động Việt tham gia kỳ thi ngoại ngữ để sang nước ngoài làm việc. Ảnh: Sơn Nguyễn

Giải bài toán thiếu hụt lao động Việt Nam có tay nghề ở châu Âu

LƯƠNG HẠNH LDO | 11/08/2023 08:30

Lao động có tay nghề hoặc đã qua đào tạo nghề làm việc ở các nước châu Âu có thể đạt mức thu nhập tới hàng nghìn USD/tháng. Việc thiếu hụt lao động tại thị trường này cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong đó có Cục Quản lý Lao động Ngoài nước và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Mức lương có thể lên đến hàng nghìn USD/tháng

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, lao động đi làm việc ở các nước châu Âu chủ yếu làm các công việc: Sản xuất công nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may, nông nghiệp. Hầu hết là lao động không nghề hoặc nghề đơn giản. Thời hạn hợp đồng 2 năm, có thể gia hạn hợp đồng.

Tại đây, phần lớn lao động có thể ở lại làm việc tiếp sau khi hết hạn hợp đồng lao động cũ nếu tìm được công việc mới hợp pháp. Thu nhập tối thiểu khoảng 650 USD/người/tháng, mức thu nhập sẽ cao hơn nếu có tay nghề tốt hoặc đã qua đào tạo nghề (ví dụ nghề thợ hàn), có thể lên đến hàng nghìn USD/tháng... Cơ hội rộng mở, mức lương và chế độ đãi ngộ tốt, song mấy năm qua, thị trường châu Âu, điển hình là Rumani lại thiếu hụt lao động Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, ông Liêm cho biết, chủ sử dụng có thể chủ động cung cấp hồ sơ cần thiết cho người lao động hoặc cá nhân làm thủ tục xin visa lao động hợp pháp. Tình trạng cạnh tranh trong việc tuyển lao động xảy ra. Hồ sơ pháp lý để tuyển chọn và làm thủ tục đưa lao động đi thường mất nhiều thời gian chuẩn bị do tập quán, văn hóa và quy định pháp luật của các nước khác nhau. Một số nước khá khó khăn trong việc xét cấp visa lao động và mất nhiều thời gian chờ (như Ba Lan, Slovakia).

Chi phí sinh hoạt tại các nước châu Âu tương đối cao, nên việc đầu tư cho nhân sự quản lý lao động tại chỗ sẽ khó khăn; các nước châu Âu phần lớn thuộc miền khí hậu ôn đới, mùa đông lạnh ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập, hạn chế cơ hội đa dạng việc làm của người lao động.

Lao động Việt Nam sang làm việc tại châu Âu sẽ phải cạnh tranh với lao động các nước khác tại khu vực này và lao động các nước đang phát triển cùng trình độ đến từ châu lục khác. Những khác biệt về văn hóa cũng là rào cản trong quá trình làm việc, hòa nhập của người lao động.

“Trong mấy năm qua, sự thiếu hụt lao động ở một số nước đang tiếp nhận lao động Việt Nam tại châu Âu có nguyên nhân chính là do lao động các nước này di chuyển sang các quốc gia phát triển hơn trong khu vực để làm việc. Khi kinh tế các quốc gia này suy giảm do dịch bệnh hoặc khủng hoảng, lao động bản địa có thể quay trở về và lấy đi cơ hội việc làm của lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam” - ông Liêm đánh giá.

Đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề

Ông Trần Mạnh Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần GHW Hà Nội - nhận định: Nhiều quốc gia ở châu Âu không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để được lao động có tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của họ. Tùy ngành nghề mà người lao động được đào tạo từ 2 - 3 năm theo hệ thống đào tạo nghề kép 30% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 70% học thực hành tại doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, khẳng định, cơ quan này sẽ xác định nhu cầu nhân lực cụ thể về ngành nghề, quy mô, cơ cấu trình độ, yêu cầu về năng lực ở từng trình độ của các nước ở châu Âu để có phương án xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực ở từng trình độ phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của mỗi nước.

Không chỉ vậy, cơ quan này cũng tăng cường sự phối hợp giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước với Văn phòng HRD tại Việt Nam, doanh nghiệp, đơn vị liên quan của Bộ LĐTBXH trong việc tổ chức đưa người lao động sang làm việc tại các nước châu Âu, thúc đẩy di cư lao động hợp pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn