MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật (thứ hai từ phải sang) và các khách mời tham dự Chương trình truyền hình trực tuyến “Bảo vệ công nhân và phòng, chống tội phạm ở các khu công nghiệp”. Ảnh: SƠN TÙNG

“Giải pháp để công nhân tránh xa các tệ nạn”

CƯỜNG NGÔ LDO | 19/07/2018 06:10
Với mục đích nâng cao hơn nữa vai trò của lực lượng công an và tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ công nhân và phòng chống tội phạm ở các khu công nghiệp, 8h30 ngày 18.7, Báo Lao Động tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến “Bảo vệ công nhân và phòng chống tội phạm ở các khu công nghiệp”.

Hoạt động tội phạm ở khu công nghiệp diễn biến phức tạp

Khách mời tham gia chương trình Truyền hình trực tiếp gồm: Ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN); đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an); bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc; ông Dương Văn Thái - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên; ông Đặng Xuân Thu - Trưởng ban Đối ngoại Công ty cổ phần Prime Group; ông Phạm Văn Việt - đại diện công nhân lao động đang làm việc tại Cty TNHH New One Tech, KCN Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên.

Đánh giá khái quát thực trạng tình hình vi phạm pháp luật tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian qua, đại tá Lê Văn Chương cho biết, hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội ở khu công nghiệp rất phức tạp.

Tại địa bàn giáp ranh và địa bàn ngoại trú của công nhân - tuy chưa có vụ việc lớn xảy ra nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm ma túy, tệ nạn cờ bạc, mại dâm và xảy ra cháy nổ. Theo thống kê, hằng năm, tội phạm trộm cắp tài sản ở Bắc Ninh có 128 vụ, Thái Nguyên là 50 vụ, Vĩnh Phúc 32 vụ, Hải Dương 14 vụ, Hải Phòng có 20 vụ... Bên cạnh đó, không ít công nhân bị lôi kéo vào hoạt động mại dâm, bị lôi kéo xúi giục, gây rối trật tự, đập phá tài sản… Chính họ không biết họ phạm tội.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, thực tế ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại tỉnh Vĩnh Phúc có tình trạng vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản của các đối tượng xấu. Theo bà Hà, để có môi trường sống và làm việc an toàn cho công nhân, người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, công an khu vực ký quy chế phối hợp về đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhờ quy chế này, hai bên đã phối hợp chặt chẽ đảm bảo tình hình an ninh cho người lao động ở các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc. Đến nay tình hình mất an ninh trật tự ở khu công nghiệp Vĩnh Phúc đã giảm đáng kể, tội phạm không còn nữa, các tệ nạn xã hội cũng thuyên giảm.

Cần tăng cường đối thoại với công nhân

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trong các khu công nghiệp, đại tá Lê Văn Cương cho rằng, một số địa phương cần bố trí lực lượng An ninh kinh tế cùng với Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát quản lý hành chính, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát môi trường, Công an huyện, đồn, hoặc công an xã phối hợp Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện.

Ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch LĐLĐVN - cho biết, trong những năm qua, công đoàn sát cánh cùng các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ Công an đã có hoạt động tích cực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tổng LĐLĐVN có quy chế phối hợp với Bộ Công an gồm 3 chương 8 điều, nêu rõ các nội dung phối hợp. Tổng LĐLĐVN cũng yêu cầu công đoàn các địa phương cùng thực hiện quy chế phối hợp chung.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nhiệm vụ cụ thể đặt ra là phải phòng tránh thế nào khi tội phạm tấn công công nhân, làm sao để công nhân tránh xa các tệ nạn ma túy, mại dâm, tụ tập đông người, gây rối, đình công. Để chuyển tải thông điệp đó đến công nhân, người lao động cần xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nói làm sao để công nhân thấm nhuần các thông điệp đưa ra, tránh các nguy cơ bị tội phạm tấn công.

Bên cạnh đó, phải phòng ngừa từ xa, thông qua các hoạt động như thương lượng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ, lành mạnh. Tổ chức tăng cường đối thoại với công nhân, để công nhân tập trung làm việc, không bị lôi kéo.

Một nữ công nhân tại KCN Đông Anh chia sẻ, ngoài việc có các lực lượng chức năng luôn thường trực ở các khu có đông công nhân làm việc, sinh sống thì vấn đề rất quan trọng là tại các KCN, KCX cần có các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh đáp ứng nhu cầu thiếu thốn của công nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn