MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại Hà Nội tìm thông tin tuyển dụng. Ảnh minh hoạ: Đỗ Phương

Giải pháp để người lao động hạn chế “nhảy việc”

Đỗ Phương - Anh Thư LDO | 17/02/2022 11:55
Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến tỉ lệ thất nghiệp cao, song một bộ phận người lao động vẫn có xu hướng nghỉ việc, chuyển sang công việc khác sau Tết. Vậy nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

Do đâu người lao động muốn chuyển việc?

Chị N.H.N - Phụ trách Tuyển dụng của một công ty chuyên về xuất nhập khẩu phụ tùng ôtô cho hay, sau Tết cũng có một vài lao động xin nghỉ việc nhưng không nhiều. Thông thường sau mọi năm cũng có lao động xin nghỉ việc, chuyển việc ở nhiều công ty. Tuy nhiên do số lao động nghỉ việc không nhiều nên tình hình hoạt động của đơn vị không bị ảnh hưởng nhiều. Người lao động xin nghỉ việc cũng có rất nhiều lý do như địa điểm làm việc, mức thu nhập...

Còn lý do mà chị Võ Thu An xin nghỉ việc sau 6 năm gắn bó với công ty chuyên về xuất khẩu trái cây ở TPHCM vì “chán môi trường sống hiện tại”. Có thời gian giãn cách xã hội dài, làm việc online xuyên liên tục khiến chị An cảm thấy có hứng thú với môi trường làm việc qua máy tính, điện thoại. Khi quay trở lại cuộc sống “bình thường mới”, chị An cảm thấy ngột ngạt. Chị An quyết định sẽ xin nghỉ việc từ tháng 3.2022, sau đó về quê rồi làm Freelancer (làm tự do).

Theo bà Thanh Nguyễn, nhà sáng lập Anphabe (Công ty tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc) cho biết, trong một khảo sát của Anphabe từ cuối năm 2021 cho thấy, đại dịch COVID-19 đang tạo sự xáo trộn mạnh mẽ về nguồn nhân lực. Người đi làm không còn mặn mà trở lại công sở. Thay vào đó, họ kỳ vọng vào những phương thức làm việc mới sau đại dịch, nhưng đáng chú ý là đang có hiện tượng nghỉ việc dù tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao. 

“Có một nghịch lý đang diễn ra với nguồn nhân lực, là dù tỉ lệ thất nghiệp đang cao - chiếm 2,52% nguồn nhân lực, thì tỉ lệ nhân viên nghỉ việc vô cùng cao. Cứ 10 người, có tới 6 người đang chủ động tìm kiếm công việc mới” - bà Thanh Nguyễn nói.

Khảo sát của Anphabe chỉ ra nhiều nhóm nguyên nhân lý giải cho hiện tượng nghỉ việc ồ ạt hiện nay. Mà nguyên nhân trực tiếp là do COVID-19 tạo ra biến động ngành nghề, sự mệt mỏi, kiệt sức trong môi trường làm việc căng thẳng và mất cân bằng, cả mất kết nối với đồng nghiệp và mất gắn kết với công ty, do quá trình làm việc trực tuyến, giãn cách xã hội... 

Ngoài ra, một nguyên nhân khác tác động mạnh mẽ đến làn sóng nghỉ việc ồ ạt hiện nay, là sau khi thị trường dần mở cửa, tình trạng nhân viên “siêu nhảy việc” gia tăng độ biến sau thời gian giãn cách, cũng vì COVID-19.

Phương pháp giữ chân người lao động

Chị Ngọc Anh - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất sáng tạo (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sau Tết Nguyên đán, công ty không có nhân sự nào nghỉ việc. Bên cạnh đó, do nhu cầu cao của khách hàng về cải tạo, sửa chữa nội thất quảng cáo nên công ty đã lên kế hoạch tuyển gần 100 nhân sự về lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Làm nhân sự nhiều năm, chị Ngọc Anh cũng nhận thấy có hiện tượng người lao động “nhảy” việc sau Tết, song cũng không nhiều. Nguyên nhân nhiều công ty đã xây dựng chính sách lương, thưởng và chế độ tốt giữ chân người lao động.

“Năm vừa qua ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhiều công ty dừng hoạt động hoặc giảm việc làm nên người lao động rất ít khi chuyển việc. Bản thân công ty của chúng tôi năm qua vẫn duy trì công việc cho người lao động ổn định, mức thưởng Tết rất cao, có những vị trí 80 triệu đồng/người. Bên cạnh đó tùy thuộc vào từng vị trí khác nhau nên có mức thưởng riêng. Trung bình mỗi người lao động được thưởng Tết một tháng lương. Vì vậy không có lý do gì khiến người lao động phải chuyển việc” - chị Ngọc Anh nói.

Nhằm hạn chế tình trạng nghỉ việc, bà Thanh Nguyễn cũng đưa ra khuyến nghị, hình thức làm việc kết hợp là xu hướng của tương lai. Đó là sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn uống và tạo cảm giác thoải mái cho người đi làm. Đồng thời hạn chế được những bất cập khi làm việc từ xa hoàn toàn, như thiếu giao tiếp với đồng nghiệp, bị phân tâm, buồn chán vì ở nhà quá lâu…

Đặc biệt với các nhóm văn phòng, mà tính chất công việc cho phép có thể hoàn thành nhiệm vụ từ nhiều nơi. Nếu muốn thu hút và giữ chân nhân tài giỏi, mở rộng nguồn lực không giới hạn địa lý, gia tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng xu hướng làm việc mới này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn