MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội thảo về hoạt động CĐ trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập ngày 25.6.

Giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ

ĐỖ PHƯƠNG- Q.CHI LDO | 27/06/2019 07:32

Sáng 25.6, Công đoàn Viên chức Việt Nam (CĐVCVN) tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tham dự có đồng chí: Bùi Văn Cường - Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐVCVN; các Chủ tịch CĐ ngành và cán bộ CĐ các bộ, ban, ngành, đoàn thể TƯ…

Tích cực chăm lo bảo vệ cho đoàn viên

Các tham luận tại hội thảo đã nêu bật vai trò quan trọng của tổ chức CĐ trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Đồng chí Phạm Thành Nam - Phó Chủ tịch CĐ Văn phòng TƯ Đảng - cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban thường vụ CĐ Văn phòng TƯ Đảng đã chủ động báo cáo xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa lãnh đạo Văn phòng TƯ Đảng và Ban Chấp hành CĐ Văn phòng TƯ Đảng trên những phương diện hoạt động chính: Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hoá thể thao; thực hiện chăm lo đời sống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ… CĐ còn chủ động đổi mới công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ theo hướng thực chất, thiết thực, hiệu quả và đúng đối tượng thụ hưởng.

Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN THIỆN

Đồng chí Phạm Thành Nam nêu ví dụ, trong công tác hỗ trợ khó khăn, trước đây thường thực hiện theo phương thức phân bổ chỉ tiêu bình quân để các đơn vị xét, dẫn đến có đơn vị không có trường hợp khó khăn, nhưng khi được phân chỉ tiêu thì phân vòng cho đoàn viên, làm giảm ý nghĩa việc hỗ trợ. Để khắc phục hạn chế trên, Ban Thường vụ CĐ Văn phòng TƯ Đảng đã đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng gửi đến các đơn vị xem xét đề nghị. Sau đó, Ban Thường vụ sẽ trực tiếp rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng từng trường hợp được đề nghị. Vì vậy, tất cả các trường hợp khi được hỗ trợ đều đúng với hoàn cảnh thực tiễn, bảo đảm ý nghĩa nhân văn trong công tác này.

Từ thực tiễn hoạt động của CĐ Văn phòng Chính phủ cho thấy, CĐ Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với lãnh đạo cơ quan phát động các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Chủ tịch CĐVCVN - cho hay, trong những năm qua, các cấp CĐVC đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐ, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên. Bên cạnh đó, các cấp CĐ đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, thông qua hoạt động CĐ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVCLĐ nâng cao về trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ.

Nói tiếng nói của đoàn viên

Các đại biểu cũng đã chia sẻ những khó khăn trong hoạt động CĐ khối hành chính sự nghiệp, trong đó tập trung vào khó khăn của công tác cán bộ. Đồng chí Khương Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch CĐ cơ quan Bộ Tư pháp - bày tỏ băn khoăn về công tác cán bộ bởi hiện nay vẫn chưa có quy định đặc thù, cụ thể về cán bộ CĐ ở các cơ quan Bộ, dẫn đến tình trạng có bộ có nhiều cán bộ CĐ, nhưng có bộ chỉ có một.

Hơn nữa, chế độ chính sách cho cán bộ CĐ còn nhiều bất cập, dẫn đến việc họ không toàn tâm toàn ý cống hiến cho hoạt động CĐ. Ngoài ra, công tác quy hoạch vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn quy hoạch Ban chấp hành, quy hoạch chức danh cán bộ CĐ… Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ, có chính sách thỏa đáng với cán bộ CĐ…

Nhiều giải pháp khác cũng được đưa ra để hoạt động CĐ trong khối hành chính sự nghiệp được tốt hơn. Theo TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện CN-CĐ - CĐ cần tập hợp đoàn kết, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ công chức, viên chức, phản ánh và nói tiếng nói của đoàn viên với cấp ủy Đảng, với lãnh đạo cơ quan, đơn vị và trong các cơ cấu, thiết chế có CĐ tham gia; tham gia xây dựng đường lối, chính sách pháp luật và phải bảo vệ các quyền lợi của cán bộ công chức viên chức nếu bị xâm phạm... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh cán bộ CĐ cần phải tự nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…

Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Để hoạt động CĐ trong khối hành chính, sự nghiệp được tốt hơn, cần có giải pháp đột phá, tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng, cần chú trọng công tác tuyển chọn; mỗi cấp CĐ phải xác định được tiêu chuẩn, tiêu chí với cán bộ CĐ của cấp đó; phải có chính sách thỏa đáng cho cán bộ CĐ để động viên họ. Tổ chức CĐ cũng cần chủ động kiến nghị trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với đoàn viên CĐ.

Bên cạnh đó, CĐ Viên chức cần quan tâm chăm lo đến lợi ích về vật chất, tinh thần, chính trị cho đoàn viên, NLĐ. Đây chính là chất kết dính, thu hút NLĐ đến với tổ chức CĐ, tăng cường vai trò, vị trí của CĐ Viên chức. Đối với mỗi lợi ích, mỗi cấp CĐ cần có những việc làm để cụ thể hóa. Ngoài ra, CĐ Viên chức cần bám sát chức năng nhiệm vụ của tổ chức CĐ với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhu cầu mong muốn của đoàn viên, NLĐ để thiết kế nội dung, chương trình hoạt động cho hiệu quả; tổ chức các phong trào thi đua một cách thực chất. Cùng với đó, cần đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động CĐ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn