MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải pháp nào để lao động nữ ngoài 40 tuổi không rút bảo hiểm xã hội 1 lần?

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 14/05/2024 06:57

Chị bạn đồng nghiệp của tôi trú ở tỉnh Bình Dương vừa mới cho biết là chị sẽ làm thủ tục, rút bảo hiểm xã hội 1 lần mà không thể tiếp tục bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, chờ đến khi đủ tuổi để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí.

Chị cho biết, với thời gian đóng bảo hiểm xã hội hơn 15 năm 5 tháng, chị dự tính số tiền rút bảo hiểm xã hội một lần của mình là gần 200 triệu đồng. Với số tiền này chị dự định sẽ buôn bán nhỏ ở nhà, còn lại nuôi hai con gái ăn học.

Để đi đến quyết định rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau một năm nghỉ việc đối với chị không hề dễ dàng. Chị cho biết phải “đấu tranh” với chính mình trong nhiều ngày và cuối cùng cũng vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn, với lứa tuổi ngoài 40, nhất là đối với phụ nữ như chị dù có bằng cấp cao đẳng kế toán cũng không dễ dàng gì để xin việc mới.

Thực tế, có rất nhiều nữ lao động sau khi nghỉ việc hoặc sau khi bị mất việc làm và rơi vào tình cảnh thất nghiệp, nhất là lao động nữ ngoài tuổi 40, sau thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ không còn nguồn thu nhập nào khác, thêm vào đó là cuộc sống khó khăn với nỗi lo cơm áo gạo tiền, lo cho con cái ăn học, lo cho người thân nên không còn cách lựa chọn nào khác, họ đành phải làm thủ tục, rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau một năm nghỉ việc.

Bản thân họ chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội dù vẫn biết rằng việc rút bảo hiểm xã hội sau mười hay mười lăm năm tham gia, đóng bảo hiểm xã hội là một thiệt thòi không hề nhỏ, nhất là sau này về già sẽ không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế nếu không may bị ốm đau, bệnh tật...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2016-2020, đã đã có gần 3,2 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Phụ nữ chiếm đa số trong những người rút bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm ngừng tham gia bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân lao động nữ rút bảo hiểm xã hội một lần là do cuộc sống khó khăn, để đảm bảo cuộc sống và lo cho gia đình, chăm sóc con cái học hành, người thân.

Đặc biệt, lao động nữ rút bảo hiểm xã hội còn có một nguyên nhân khác, đó là hiện nay độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tăng quá cao so với những quy định của Luật lao động trước đây, từ 55 tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 tăng thêm 5 năm theo lộ trình tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đến năm 2035 phải đủ 60 tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Có lẽ vì thời gian chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu quá lâu, như trường hợp của chị bạn đồng nghiệp tôi, phải chờ gần 20 năm sau mới đủ 60 tuổi để làm thủ tục, hưởng chế độ hưu trí, vì vậy mà nhiều lao động nữ sau thời gian nghỉ việc, làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội…

Thiết nghĩ, để giữ chân lao động nữ trụ lại với hệ thống an sinh xã hội nước nhà, hệ thống an sinh bảo hiểm xã hội mà không phải lo nghĩ đến chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay, cần phải có thêm các chế độ, chính sách, chẳng hạn như tạo "ngân hàng" việc làm dành riêng cho lao động nữ, nhất là lao động nữ đã ngoài 40 tuổi khi bị mất việc làm; có chính sách khuyến khích, giảm thuế phí đối với các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ lớn tuổi, ngoài độ tuổi 40; có chính sách hỗ trợ vay vốn cho lao động nữ nuôi con nhỏ gặp khó khăn trong cuộc sống...

Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 để giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng, nên có chính sách hưu trí đa tầng với lao động nữ, nếu lao động nữ đã có đủ 15 năm hoặc 20 năm tham gia, đóng bảo hiểm xã hội và tuổi đời đã đủ 50 tuổi thì được phép làm thủ tục, hưởng chế độ trợ cấp hưu trí đa tầng, mức hưởng căn cứ theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn