MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng dẫn CN nữ tại Công ty TNHH MCNEX ViNa cách sử dụng máy vắt sữa. Ảnh: Quỳnh Trang

Giải quyết bất cập trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ

QUỲNH TRANG LDO | 15/04/2024 08:46

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt với đối tượng công nhân nữ (CNN) tại các khu công nghiệp (KCN) là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế, khó khăn về thời gian, tài chính, cộng thêm tâm lý e ngại khiến CNN tại các KCN chưa đề cao tầm quan trọng của SKSS.

Nhiều bất cập trong chăm sóc SKSS cho CNN

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 11 KCN, cụm công nghiệp với hơn 100.000 công nhân làm việc, trong đó CNN chiếm tỉ lệ từ 60 - 70%. Một số ngành nghề như may mặc, da giày, tỉ lệ CNN lên tới 80%. Thế nhưng, việc chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc SKSS của CNN lại chưa được quan tâm đúng mức.

Môi trường lao động đặc thù ở các ngành sử dụng đông CNN như gia công may, da giày, điện tử, phải làm việc trong điều kiện áp lực và cường độ cao, thường xuyên phải tăng ca, môi trường làm việc ồn, nóng, bụi, mùi của hóa chất (keo dán). Ngoài ra, tư thế lao động của CNN ở một số ngành, nghề đặc thù khiến thời gian ngồi làm việc kéo dài, phát sinh các bệnh ảnh hưởng sức khỏe nói chung và SKSS nói riêng.

“Nhiều nữ công nhân trẻ tại công ty đã có gia đình và chưa có gia đình, còn e ngại việc đi khám phụ khoa. Các bạn chưa ý thức được sự ảnh hưởng của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Bên cạnh đó, còn chủ quan vì chưa thấy có dấu hiệu bệnh rõ ràng” - chị Đỗ Thị N (công nhân một công ty may tại Ninh Bình) chia sẻ.

Tương tự, chị L.T.D (công nhân của công ty tại KCN Gián Khẩu, Ninh Bình) cho biết: “Lâu nay, có nhiều vấn đề tế nhị liên quan đến SKSS của người phụ nữ mà chúng tôi rất muốn biết nhưng lại ngại nói, ngại tìm hiểu”.

CNN thường làm việc theo ca, giờ giấc rất nghiêm ngặt nên không có thời gian tham gia các lớp cung cấp kiến thức SKSS. Trong khi đó, hầu hết các KCN, nhà máy, xí nghiệp chưa có cán bộ y tế có chuyên môn về sản khoa, việc khám bệnh định kỳ cho CNN của một số nhà máy, xí nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc chăm sóc SKSS cho lao động nữ tại các nhà máy xí nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cần bù đắp

Theo bà Nguyễn Thị Hường - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, công nhân lao động, đặc biệt là CNN là đối tượng được ngành đặc biệt quan tâm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc SKSS, ổn định dân số - kế hoạch hóa gia đình. “Ngành y tế vẫn đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan để triển khai truyền thông các hoạt động về SKSS, cung cấp kiến thức cơ bản về phòng tránh thai, phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong công nhân lao động” - bà Hường nhìn nhận.

Đối với những CNN nữ có con dưới 6 tháng tuổi, Công đoàn các KCN đã nhân rộng mô hình cabin vắt, trữ sữa mẹ. Với tổng số gần 4.000 CNN, số nữ công nhân đang nuôi con nhỏ là hơn 200 người, sự ra đời của cabin vắt trữ sữa mẹ tại Công ty TNHH MCNEX Vina là việc làm nhân văn, cần thiết.

“Thấu hiểu công việc của chị em công nhân làm ca kíp, nhà xa, vất vả, thời gian nghỉ giữa ca ngắn, ăn uống thiếu chất dẫn đến không đủ sữa; không hiểu rõ về việc cho con bú như thế nào là đúng cách. Việc lắp đặt cabin vắt trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trên”, bà Doãn Thị Thu Giang (Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH MCNEX Vina) chia sẻ.

Cabin được đặt tại phòng nghỉ trưa của CNN với diện tích khoảng 20m2, bên trong có một chiếc tủ lạnh để bảo quản sữa mẹ, có bàn ghế, bồn rửa tay, khăn lau tay đảm bảo thoáng mát và vệ sinh. Chị em đến vắt sữa sẽ được đăng ký vào sổ theo dõi, được cán bộ phụ trách y tế của công ty hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết việc vắt sữa và bảo quản sữa.

Cũng theo bà Giang, chăm sóc SKSS có ý nghĩa không nhỏ đối với đời sống công nhân, đặc biệt là CNN. Vì thế cần sự quan tâm của doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn cùng các hoạt động truyền thông, trang bị kiến thức về SKSS cần được tổ chức thường xuyên.

Hằng năm, các doanh nghiệp đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn thể lao động trong đó có lao động nữ. SKSS thì ít hơn, chỉ vài doanh nghiệp có tổ chức tuyên truyền cho người lao động về kiến thức bình đẳng giới, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục” - bà Nguyễn Nhung (Trưởng ban Nữ công Công đoàn các KCN) chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn