MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải quyết ô nhiễm tại khu công nghiệp: Cần cái bắt tay giữa CĐ và doanh nghiệp

THÔNG CHÍ LDO | 19/04/2018 09:28
Dưới sự chủ trì của Tổng LĐLĐVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), hôm nay (19.4) tại trụ sở Báo Lao Động, lần đầu tiên Báo Lao Động phối hợp với Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức toạ đàm “Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường”. 

Đây là hoạt động thiết thực triển khai Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ TNMT góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023 đã được Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường và Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà ký kết chiều 16.4 tại Hà Nội.

Nhiều KCN ô nhiễm nghiêm trọng

Theo Bộ TNMT, cả nước hiện có 878 khu đô thị (KĐT), 283 khu công nghiệp (KCN), 615 cụm công nghiệp (CCN), hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ôtô, 40 triệu xe gắn máy, hơn 36 triệu gia súc, gia cầm, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản,... Hàng ngày phát sinh hơn 3.000.000 m3 nước thải sinh hoạt, 550.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế. Hàng năm phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại.

Mỗi năm, sử dụng hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật, trong đó có 80% sử dụng sai mục đích, không đúng kỹ thuật, 50% - 70% không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường; phát sinh 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn khí thải. Trên cả nước hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, phần lớn là bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác. Ngoài ra, cả nước có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan, gây ô nhiễm môi trường không khí.

Đã có 171/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, tăng 24 cơ sở so với năm 2015 (đạt tỷ lệ 39,3%). Đồng thời, hầu hết các các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg đều phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý triệt để theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường tới cộng đồng.

Cùng nhau tháo nút thắt về ô nhiễm môi trường

Theo chương trình phối hợp góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018-2023 giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ TNMT, 2 bên sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, 2 bên thống nhất xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình công nhân viên chức công đoàn tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên cũng sẽ tổ chức diễn đàn “Công nhân Lao động vì môi trường” tạo cơ hội trao đổi, thảo luận về công tác bảo vệ môi trường với người lao động tại các DN; đồng thời, tôn vinh người lao động, cán bộ CĐ có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường tại các DN.

Từ những mục tiêu cụ thể trên, toạ đàm “Tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường” một lần nữa thảo luận các thực trạng, đề ra các giải pháp để các tổ chức công đoàn, doanh nghiệp trong KCN gắn kết hơn nữa, đồng hành bảo vệ môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn