MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đại diện các doanh nghiệp do LĐLĐ TP.Bắc Giang phối hợp tổ chức.

Giải quyết ổn thoả các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể

QUẾ CHI LDO | 26/03/2019 07:04
Những năm qua, trên địa bàn TP.Bắc Giang đã xảy ra một số cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; cá biệt có những cuộc có hàng nghìn người tham gia, kéo dài từ 2 đến 5 ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tác động không nhỏ đến đời sống việc làm, thu nhập của người lao động, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và môi trường đầu tư của thành phố.

Chủ yếu do vi phạm các quy định pháp luật về lao động

Theo thống kê của LĐLĐ TP.Bắc Giang, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 13 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, chủ yếu xảy ra ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và may công nghiệp. Cá biệt có DN để xảy ra ngừng việc tập thể từ 2 đến 3 lần. Các cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn tới ngừng việc những năm gần đây thường xảy ra nhiều hơn và thường xảy ra vào dịp trước và sau Tết cổ truyền. Thời gian diễn ra ngừng việc ít nhất là 4 giờ, dài nhất là 5 ngày, số lượng ít nhất là hơn 100 người, nhiều nhất là gần 2.000 người tham gia.

Nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm các quy định pháp luật về lao động (chủ yếu về quyền của người lao động), ngoài ra còn vi phạm về lợi ích của người lao động như: Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; vi phạm các quy định về hợp đồng lao động, an toàn vệ sinh lao động; giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản chưa kịp thời. Hầu hết các cuộc đình công xảy ra trên địa bàn chủ yếu ở những DN chưa thành lập tổ chức CĐ, hoặc đã thành lập tổ chức CĐ nhưng hoạt động yếu, mờ nhạt; xây dựng thỏa ước lao động tập thể chỉ là hình thức, mang tính chất đối phó, hoạt động không có hiệu quả. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan, một bộ phận người lao động chưa hình thành tác phong công nghiệp, chấp hành chưa nghiêm túc nội quy lao động, trình độ chuyên môn, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của DN; chưa nắm bắt rõ các quy định của pháp luật nên khi có kiến nghị thì không thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân hoặc tập thể. Do đó các kiến nghị không được quan tâm, giải quyết dẫn tới bức xúc tích tụ và tự phát ngừng việc tập thể.

Tổ chức công đoàn chủ động tham gia giải quyết

Ông Ngô Đức Trung - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Bắc Giang - cho biết, các vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn thành phố thời gian qua hầu hết được giải quyết tương đối ổn thỏa, nhanh chóng trên cơ sở hòa giải, thương lượng của các bên có sự tham gia giải quyết kịp thời của LĐLĐ thành phố và các cơ quan chức năng thành phố. Từ thực tế tham gia giải quyết đình công tại các DN, kinh nghiệm cho thấy khi đã xảy ra ngừng việc tập thể, cần phải có sự vào cuộc tích cực, sự phối hợp đồng bộ của DN, tổ chức CĐ và các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn.

Cụ thể, đối với tổ chức CĐ, khi xảy ra ngừng việc, LĐLĐ thành phố kịp thời cử lãnh đạo đến giải quyết, chỉ đạo, hướng dẫn phân công Ban chấp hành CĐCS xuống các tổ, phân xưởng nắm tình hình tư tưởng người lao động; chủ động giải thích nếu ý kiến đó chính đáng nhưng chưa hợp lý, hợp pháp, để đoàn viên, người lao động hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình làm việc tại DN; vận động người lao động không có những hành động quá khích, gây thiệt hại tài sản của DN. Sau đó khẩn trương tập hợp ý kiến, kiến nghị bức xúc nhất của đoàn viên, người lao động, chủ động đề xuất DN giải quyết.

Còn theo ông Bùi Văn Khước - Chủ tịch LĐLĐ TP.Bắc Giang, đối với những DN chưa thành lập CĐCS, khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, LĐLĐ TP.Bắc Giang cũng chủ động vào cuộc, đầu tiên là tiếp xúc với CNLĐ để lắng nghe, tập hợp nguyện vọng của họ, sau đó nếu có thể sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp ngay giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Nếu chưa tổ chức đối thoại ngay, LĐLĐ thành phố sẽ tập hợp ý kiến bằng văn bản gửi đến chủ DN, đề nghị chủ DN trả lời bằng văn bản; nếu chủ DN chưa đồng ý thì tiếp tục thương lượng, thỏa thuận để tìm ra sự đồng thuận của các bên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn